Các công ty đang đặt mục tiêu vào một thị trường tăng trưởng mới hấp dẫn ở Trung Quốc. Đó chính là người già.
Trung Quốc đang có tốc độ già hoá dân số nhanh so với các quốc gia đang phát triển khác. Hiện đất nước này có hơn 280 triệu người trên 60 tuổi. Tỷ lệ sinh giảm khiến dân số của Trung Quốc vào năm 2022 tụt xuống còn 1,412 tỷ người.
Số người lớn tuổi gia tăng đang khiến các công ty đa quốc gia và nội địa đánh giá lại các cơ hội tăng trưởng dài hạn ở Trung Quốc. Đồng thời, họ đang thay đổi sản phẩm và chiến lược tiếp thị để thu hút nhóm đối tượng này.
Các doanh nghiệp từng tập trung vào trẻ sơ sinh hiện đang hướng đến người cao tuổi Trung Quốc. Các công ty công nghệ tạo ra ứng dụng di động đơn giản hơn cho người dùng lớn tuổi. Các nhà bán lẻ trực tuyến đang tập trung nhiều quảng cáo hơn cho người cao niên. Phục vụ khách du lịch lớn tuổi cũng đang trở thành một công việc kiếm bộn tiền ở Trung Quốc, sau khi các biện pháp kiểm soát đại dịch được hạn chế. Các video âm nhạc dành cho người cao tuổi cũng thu hút được lượng lớn khán giả.
Colin Liang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Redwheel, cho biết: “Mô hình tiêu dùng sẽ thay đổi. Xu hướng này không thể đảo ngược”.
Tỷ lệ dân số trên 60 tuổi tại Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt Mỹ vào năm 2031.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán người cao tuổi hiện chiếm gần 20% dân số Trung Quốc. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 28% vào năm 2040. Trong khi đó, tỷ lệ sinh của nước này là 1,09 vào năm 2022, thấp hơn cả mức 1,26 của Nhật Bản.
Một số công ty đa quốc gia đã cảm nhận được tác động từ sự thay đổi nhân khẩu học. Hãng chăm sóc cá nhân Kao của Nhật Bản đã ngừng sản xuất tã lót trẻ em dùng một lần ở Trung Quốc vào mùa hè vừa qua. Trong khi đó, tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestlé của Thụy Sĩ sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất sữa công thức cho trẻ sơ sinh ở Ireland, chuyên xuất khẩu sản phẩm sang châu Á.
Nhưng có một thách thức mà các công ty có thể gặp phải là những người về hưu thường ít có khả năng chi tiêu hơn những người trưởng thành đi làm và có thu nhập ổn định. Nhiều người cao tuổi đang sống nhờ tiền lương hưu và phần lớn tài sản của họ gắn với bất động sản, mà giá nhà hiện lại đang giảm. Điều đó sẽ khiến họ mua sắm có chọn lọc hơn.
Nhà kinh tế Haoxin Mu tại Natixis cho biết đối tượng này sẽ không mua iPhone hay xe điện. Mức tiêu dùng của họ sẽ chuyển từ hàng hoá sang nhiều dịch vụ hơn.
Năm 2022, KFC tại Trung Quốc đã tung ra “phiên bản tối giản” của ứng dụng di động cho người dùng từ 50 tuổi trở lên. Nó có ít quảng cáo hơn, phông chữ lớn hơn và đưa ra đề xuất dựa trên thói quen ăn uống cũng như đơn đặt hàng trước đây của người dùng.
Douyin của ByteDance, hay còn gọi là TikTok phiên bản Trung Quốc, cũng có “chế độ dành cho người cao tuổi”. Các nút sẽ to, rõ ràng hơn với màu sắc tương phản mạnh hơn. Họ cũng lập một đường dây nóng để hướng dẫn người cao tuổi sử dụng điện thoại di động, tránh mắc những trò lừa đảo và giải đáp về việc sử dụng internet.
Nhà phân tích tiếp thị Trung Quốc Ashley Dudarenok cho biết thế hệ người cao tuổi ở Trung Quốc cũng đang thúc đẩy sự bùng nổ du lịch nội địa. Vì họ có nhiều thời gian đi du lịch hơn những người trưởng thành đang đi làm.
Ảnh: Bloomberg News
Các công ty Nhật Bản có kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Họ cũng đang khai thác cơ hội tăng trưởng ở Trung Quốc.
Cộng đồng chăm sóc sức khoẻ Yada Panasonic Communiy tại Trung Quốc đã khai trương vào tháng 2/2023. Khu vực này có 1.170 căn hộ được trang bị các thiết bị gia dụng và thiết bị điện tử của Panasonic, bao gồm máy đo nhịp tim và thiết bị công nghệ thông minh gửi dữ liệu đến điện thoại di động.
Giám đốc giám sát dự án Yanagi Kaisei cho biết công ty muốn chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản với Trung Quốc khi nước này đang bắt đầu trở thành một xã hội già hóa. Ông cho biết thêm công ty cũng đang thực hiện các dự án khác tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Theo WSJ