Một buổi tối tan làm, người đàn ông họ Dương ở Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc ghé vào siêu thị gần nhà, dự định mua một ít thực phẩm khô về. Dương chọn một loạt các gói mì sợi khô với nhiều hương vị, vài thứ lặt vặt khác rồi mang ra quầy thanh toán.
Sau khi thanh toán hóa đơn hết 100 NDT (350 nghìn đồng), Dương bất ngờ thay đổi thái độ, chỉ vào những món đồ trong túi và nói với với nhân viên thu ngân rằng tất cả đều đã hết hạn và yêu cầu bồi thường. Quản lý siêu thị liền có mặt và xin lỗi Dương, bày tỏ họ sẽ hoàn lại tiền mua hàng nhưng không chấp nhận mức bồi thường mà người đàn ông này đưa ra. Tức tối, Dương đã kiện siêu thị vì bán thực phẩm hết hạn, đồng thời yêu cầu được bồi thường 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng) và hoàn lại cả 100 NDT đã thanh toán.
Tại phiên tòa, Dương đưa ra một video quay lại quá trình mua hàng của mình trong ngày hôm đó, chứng minh tất cả những gói mì sợi khô đều được mua tại siêu thị này. Bên cạnh đó, các sản phẩm cũng đều được xác nhận là quá hạn tại thời điểm mà Dương đã mua.
Tuy nhiên, phía siêu thị phản bác bằng chứng của Dương. Họ cho rằng từ đầu Dương đã có ý định bắt đền siêu thị nên mới cố tình mua các sản phẩm hết hạn. Hành động lấy điện thoại ra ghi hình toàn bộ quá trình mua hàng ở siêu thị của Dương là điều rất bất thường.
Trong quá trình điều tra vụ việc, cơ quan chức năng ở Bách Sắc phát hiện chỉ trong hơn 2 năm, riêng ở khu vực này đã có 54 trường hợp kiện cáo vì mua phải thực phẩm hết hạn sử dụng. Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Trung Quốc, nếu người dân mua phải hàng hết hạn sử dụng và lên tiếng tố cáo, đơn vị kinh doanh sẽ phải bồi thường gấp nhiều lần giá trị hàng hóa cho khách hàng.
Lợi dụng điều này, những người như Dương thường đi khắp các siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn để tìm kiếm. Một khi phát hiện được món đồ hết hạn sử dụng nào đó trong cửa hàng mà nhân viên chưa kịp dọn đi, Dương sẽ mua tất cả và khởi kiện để trục lợi. Mặc dù chỉ là những món thực phẩm lặt vặt, nhưng số tiền mà siêu thị phải đến bù có thể lên đến hơn 10 lần giá trị thực của nó.
Bên cạnh đó, trích xuất camera giám sát ở siêu thị cho thấy trước khi để các món đồ vào giỏ hàng, Dương đã cầm các gói mì lên xem xét rất kỹ bao bì và hạn sử dụng in trên đó. Theo tòa án Bách Sắc, trong vụ việc này, yêu cầu bồi thường của Dương là không hợp lệ, vì Dương đã biết rõ sản phẩm hết hạn sử dụng từ trước khi thanh toán.
Tòa án cho biết thêm, hành vi của Dương còn vi phạm nguyên tắc trung thực trong luật dân sự tại Trung Quốc. Theo đó, người tiêu dùng phát hiện hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các luật khác có thể tiến hành khiếu nại hoặc tố cáo. Nhưng nếu ai đó cố tình mua hàng hết hạn và lợi dụng luật để trục lợi cho mình thì hành vi đó vi phạm nguyên tắc trung thực hoạt động dân sự và không còn được pháp luật bảo vệ.
Như trường hợp của Dương, người đàn ông này sẽ không được nhận khoản tiền bồi thường 5.000 NDT như đã yêu cầu. Việc đơn vị kinh doanh bán thực phẩm hết hạn sử dụng cũng là vi phạm pháp luật, thẩm phán yêu cầu siêu thị phải hoàn lại 100 NDT mà Dương đã thanh toán khi mua hàng.