Theo tin tức mới nhất trên Space, nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa xác nhận trên sao Hỏa có tồn tại khí mê-tan (CH4).
Sau khi thu thập dữ liệu từ robot tự hành Curiosity của NASA và tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cuối cùng các nhà khoa học cũng xác nhận một cách thuyết phục sự hiện diện của khí mê-tan trên Hành tinh Đỏ sau hơn một thập kỷ rưỡi nổ ra nghi vấn khi trước đó tàu thăm dò của ESA phát hiện ra sự tồn tại của các nguyên tố vi lượng trong hợp chất khí này có mặt trên sao Hỏa.
Việc xác nhận chắc chắn có tồn tại khí mê-tan trên sao Hỏa lần đầu tiên trong lịch sử khám phá vũ trụ đánh dấu một bước tiến vô cùng quan trọng trong hành trình săn lùng dấu hiệu sự sống trên Hành tinh Đỏ bấy lâu nay của con người, Independent đưa tin.
Bởi trên Trái Đất, khí mê-tan là một dấu hiệu chính của sự sống và được phát ra từ các sinh vật sống. Các nhà khoa học tin tưởng, ngay cả khí mê-tan trên sao Hỏa được sinh ra từ một quá trình khác đi nữa thì vẫn có khả năng đây là dấu hiệu cho thấy bề mặt Hành tinh Đỏ có những hoạt động sống mạnh hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây của giới nghiên cứu.
Miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa, nơi phát hiện khí mê-tan. Ảnh: Gizmodo
Công trình này do Tiến sĩ Marco Giuranna thuộc Viện Vật lý thiên văn quốc gia Ý dẫn đầu. Ông và cộng sự đã kiểm tra các phép đo từ Curiosity và Mars Express thu thập được vào tháng 6/2013, và phát hiện sự hiện diện rõ ràng của một lượng hợp chất trong bầu khí quyển ở phía trên miệng núi lửa Gale, một hệ tầng rộng 154km nằm dọc theo đường xích đạo sao Hỏa, trước đây từng được coi là một hồ nước khô.
Ngoài việc xác nhận sự hiện diện của khí mê-tan trên sao Hỏa, các nhà khoa học hành tinh đã sử dụng mô hình số và phân tích địa chất để truy tìm nguồn gốc của nó, bằng cách chia khu vực xung quanh miệng núi lửa Gale thành mô hình 30 khu vực diện tích 250x250 km2 và quan sát tỉ mỉ từ tàu vũ trụ.
Mô hình do các nhà khoa học thực hiện để giúp xác định nguồn gốc của lượng khí mêtan được tìm thấy trên sao Hỏa. Nguồn: Marco Giuranna và cộng sự/Sputniknews
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng, khí mê-tan trên sao Hỏa bị "nhốt" trong một hồ nước khô bị đóng băng, rồi thoát ra ngoài từ từ theo thời gian.
Kể từ khi khí mêtan được phát hiện lần đầu tiên, hơn 15 năm trước, rất nhiều cuộc tranh luận của giới nghiên cứu đã nổ ra về việc liệu khí mê-tan này đến từ vi sinh vật hay từ các phản ứng địa hóa dưới lòng đất.
Tiến sĩ Marco Giuranna kêu gọi những người đam mê theo đuổi nghiên ứu sự sống trên sao Hỏa không vội đưa ra bất kỳ kết luận sớm nào, và nhận định rằng: Khí mê-tan là một "chỉ số tiềm năng của sự sống vi khuẩn" (trên Trái Đất), thì nó cũng có thể được tạo ra bởi các quá trình phi sinh học. Đây là trường hợp trên các hành tinh khí và băng như sao Mộc, sao Hải Vương, sao Thổ và sao Thiên Vương.
Tuy nhiên, nếu khí mê-tan được sinh ra từ hoạt động của vi sinh vật sống thì sẽ mở ra hy vọng về một thế giới có thể gây dựng sự sống của cho con người trên Trái Đất (điểm 1).
Marco Giuranna bổ sung và hướng đến mục đích lạc quan trong tương lai rằng, việc tồn tại khí mê-tan lớn trên sao Hỏa (có thể bao gồm nhiều nguồn nhiên liệu khác) có thể giúp người Trái Đất sau này khai thắc nhằm chế tạo và làm động cơ đẩy cho tàu vũ trụ nhằm thực hiện các khám phá không gian sâu hơn về sau (điểm 2).
Công trình của Tiến sĩ Marco Giuranna và cộng sự đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Bài viết sử dụng nguồn: Sputniknews, Space, Independent