Tại trung tâm vùng Đồng Bằng Nga, một vòng tròn bí ẩn kết cấu từ xương voi ma-mút được xác định là xuất hiện vào giữa kỷ băng hà gần nhất ở châu Âu. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở thời điểm này thường rơi vào dưới -20 độ C.
Cấu trúc tiền sử này được phát hiện tại bờ tây sông Don thuộc vùng Kostenki 11 – một khu khai quật có lịch sử lâu đời nằm cách thủ đô Moscow khoảng 500 km. Khu khai quật này đã đi vào hoạt động từ những năm 1700. Rất nhiều cấu trúc cổ đại cũng đã được phát hiện vào giữa thế kỷ 20.
Bằng cách xác định niên đại phóng xạ carbon, các nhà khảo cổ đã khám phá ra vòng tròn xương được xây dựng lâu đời nhất tại vùng Đồng Bằng Nga. Đến nay, đã có khoảng hơn 70 cấu trúc bí ẩn như vậy được khai quật tại khu vực.
Có niên đại khoảng 20 nghìn năm, nơi này có khả năng cao đã được hình thành từ kỷ băng hà gần nhất và trải qua giai đoạn lạnh lẽo và khắc nghiệt của kỷ này.
Vòng tròn bí ẩn
Nhận xét về phát hiện này, nhà khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Alexander Pryor của Đại học Exeter cho biết: "Khảo cổ học ngày càng hé lộ nhiều hơn về cách mà tổ tiên chúng ta sinh tồn trong môi trường băng giá kinh khủng và đầy bất lợi ở đỉnh điểm của kỷ băng hà cuối cùng. Hầu hết các vùng đất ở vĩ độ tương tự tại châu Âu đều không có người sinh sống trong giai đoạn này. Vậy mà nhóm người kia đã có thể xoay sở để thích nghi, kiếm ăn, tìm nước và nơi trú ẩn".
Cấu trúc vòng tròn xương lâu đời nhất trong số được phát hiện có đường kính 12,5m, được làm gần như hoàn toàn bằng xương voi ma-mút, chỉ lẫn một ít xương vụn của tuần lộc, ngựa, gấu, sói, cáo lửa và cáo bắc cực. Các nhà khảo cổ đã xác định được có tổng cộng 51 xương hàm dưới và 64 hộp sọ hoàn chỉnh của voi ma-mút.
Ở rìa vòng tròn có ba hố lớn chứa đầy xương voi. Nhờ sử dụng phương pháp xác định niên đại thông qua phóng xạ carbon để tìm ra tuổi các mẫu than củi lẫn trong di tích, các nhà khoa học khẳng định con người đã từng sinh sống ở vùng Đồng Bằng Nga trong kỷ băng hà cuối cùng.
Trong khi đó, các vùng đất khác ở cùng vĩ độ tại châu Âu đều bị bỏ hoang. "Bất chấp cái lạnh, việc có rất nhiều than củi và xương cháy nằm rải rác tại vùng Kostenki 11 cho thấy rằng đã có người sử dụng nhiên liệu gỗ và nhiên liệu hỗn hợp (củi và xương) làm chất đốt", các nhà nghiên cứu viết.
Phát hiện này không chỉ chứng minh sự tồn tại của con người tại vùng Đồng Bằng Nga trong kỷ băng hà gần nhất mà còn tăng tính thuyết phục của giả thuyết rằng cây lá kim cũng có thể phát triển trong điều kiện khắc nghiệt đó.
Củi đốt là một trong những điều kiện tiên quyết, ảnh hưởng đến sinh tồn của một cộng đồng người cổ đại sống ở vùng khí hậu lạnh. Vì vậy mà chỉ có sự tồn tại của cây cối mới có thể giải thích được tại sao con người tồn tại được ở vùng này lâu hơn các khu vực khác ở Bắc Âu trong điều kiện khí hậu giá rét đến như vậy.
Ngoài gỗ dùng để đốt, nhóm nghiên cứu còn xác định được hơn 50 hạt nhỏ bị cháy đen và một số loại cây có khả năng dùng làm thuốc độc, dược liệu, dây thừng hoặc vải. Tuy vậy, họ vẫn chưa thể nhận định rõ những thứ này là do con người chủ động mang đến hay chỉ là rơi rụng tại đó một cách ngẫu nhiên.
Hơn 300 viên đá và đá lửa cũng được tìm thấy, đưa ra khả năng cao rằng người dân ở đây từng sử dụng các công cụ bằng đá để tạo lửa và giết mổ động vật.
Nhóm nghiên cứu đang thực hiện công tác khai quật vòng tròn kỳ lạ
Trước đây, các nhà khảo cổ học cho rằng những vòng tròn kỳ lạ thực chất là nền móng của nơi trú ngụ hoặc nhà ở. Tuy nhiên, vòng tròn xương mới được phát hiện này lại không có manh mối nào chứng minh điều đó. Không chỉ vậy, lý do mà cộng đồng tập hợp tại vùng đất này vẫn chưa có chút đầu mối.
Để lý giải điều đó, ông Pryor đã đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của một con suối lỏng. Ông nói: "Có một khả năng là cả voi ma-mút và con người đã tụ tập tại khu vực này vì nó có một con suối tự nhiên cung cấp nước lỏng trong suốt mùa đông".
Dẫu vậy ông vẫn khẳng định điều này là cực kỳ hiếm. Cũng chính vì vậy mà cho đến nay, mục đích của vòng tròn xương, hay tại sao con người lại đến đây vẫn còn là một bí ẩn.
Tham khảo: Science Alert