Trong một lần khám sức khỏe định kỳ, anh Tân (39 tuổi, Việt kiều Mỹ) phát hiện thùy trái tuyến giáp có nhân khoảng 1cm.
“Bác sĩ khám và đánh giá khối u của tôi thuộc TIRADS 4A nên vẫn có khả năng ác tính khoảng 5%-10%. Chính vì thế, bác sĩ chỉ định chọc hút bằng kim nhỏ (FNAC) dưới hướng dẫn siêu âm và cho ra kết quả ác tính. Nhân 1cm chưa xâm lấn vỏ bao”, anh Tân nói.
Ths.BS Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thùy trái tuyến giáp, đồng thời đem khối u đi giải phẫu.
“Anh Tân phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm nên việc điều trị thuận lợi, chỉ cần cắt thùy trái - nơi có tế bào ung thư. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tế bào ác tính không xâm lấn, người bệnh không cần uống i-ốt phóng xạ. Đồng thời, người bệnh vẫn còn thùy phải tuyến giáp để điều hòa hormone nên không phải uống thuốc nội tiết hàng ngày”, BS Trông cho hay.
Sau phẫu thuật, anh Tân khỏe, ăn uống và nói chuyện bình thường, giọng không khàn. Anh và vợ thở phào vì đã quyết định đúng.
Theo BS Trông, ung thư tuyến giáp là một trong 10 ung thư thường gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-50. Tỉ lệ ung thư tuyến giáp có khuynh hướng ngày càng tăng.
Ung thư tuyến giáp có thể điều trị được, đặc biệt ở các giai đoạn sớm. Phẫu thuật là lựa chọn đầu tiên để điều trị ung thư tuyến giáp. Tuyến giáp nằm phía trước cổ, dính liền là 2 tuyến cận giáp trên và 2 tuyến cận giáp dưới; phía sau tuyến giáp là dây thần kinh quặt ngược thanh quản (chi phối cho giọng nói)... Do đó, mổ ung thư tuyến giáp cần các bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị máy móc hiện đại để tránh gây mất máu, khàn giọng, tê tay.