Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố các phát hiện đáng kinh ngạc về Homo luzonensis, một loài hoàn toàn mới và kỳ lạ thuộc chi Người, được ví như một vị tổ tiên bị thất lạc và cách ly khỏi cây gia phả.
Địa điểm khai quật hài cốt loài người mới ở Philippines - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Các phát hiện bắt nguồn từ những mẩu xương ngón chân nhỏ hơn cả xương của loài người lùn Hobbit, tuổi đời 67.000 năm được tìm thấy trong hang Callao, thuộc đảo Luzon, Philippines, vào năm 2007. Những kế hoạch khai quật kéo dài sau đó đã tìm ra hài cốt của ít nhất 2 người trưởng thành và 1 đứa trẻ, một trong các hóa thạch có niên đại chỉ 50.000 năm trước.
Một mẩu xương ngón chân - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nơi tìm thấy nhiều phần hài cốt hóa thạch - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Theo nhà cổ sinh vật học Florent Détroit, đến từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia ở Paris (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, họ đã xác định được các hài cốt hóa thạch trên thuộc về một loài hoàn toàn mới, từng có thời gian tồn tại song song với người Neanderthals, Denisovans, Homo floresiensis (Hobbit) và cả loài sinh sau đẻ muộn nhất của chi Người là Homo sapiens (người tinh khôn, người hiện đại- chính là chúng ta).
Thời điểm đó, tổ tiên Homo sapiens chúng ta dù ra đời muộn cũng đã trải qua hơn 250.000 năm lịch sử, đã đứng thẳng và biết dùng nhiều công cụ.
Tuy nhiên, loài người tí hon bí ẩn ở Philippines vẫn còn đu đưa trên cây như những vượn nhân hình của hàng triệu năm trước đó!
Những chiếc răng của loài người mới - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Xem xét xương ngón chân cũng rất phát triển của loài người mới này, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể họ cũng đi thẳng giỏi như chúng ta nhưng điều kiện sống trên đảo đã khiến họ có xu hướng trở lại lên cây.
Điều đó thể hiện qua sự phát triển đặc biệt của các xương ở phần tay, giúp họ có khả năng leo trèo tốt hơn những loài người khác cùng thời. Ước tính loài người mới này chỉ cao chưa đầy 1,2 mét.
Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được làm cách nào mà các tổ tiên thuộc chi Người đã di chuyển đến Luzon, vốn luôn là một hòn đảo tách biệt hẳn với lục địa và không hề có bằng chứng về một dải đất bắc cầu cổ xưa đã biến mất nào. Ước tính cuộc di cư bí ẩn đã diễn ra ít nhất 700.000 năm trước, niên đại của những hài cốt động vật được con người xẻ thịt lâu đời nhất tìm thấy tại Luzon.
Việc truy tìm nguồn gốc cổ xưa hơn của loài người lùn mới này đang gặp khó khăn bởi khí hậu ẩm ướt tại Luzon đã làm các hóa thạch không còn tốt, không thể trích xuất được DNA. Tuy nhiên, một số protein vẫn có thể được chiết xuất từ xương và giải đáp ít nhiều thắc mắc về cây gia phả của họ.
Tất nhiên, họ đã tuyệt chủng như hầu hết các loài người từng tồn tại trên trái đất. Loài duy nhất thuộc chi Người còn sống sót là Homo sapiens chúng ta.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học Nature.
(Theo Live Science, The Telegraph)