Phát hiện lỗ hổng lớn gấp 60 lần Trái Đất trên Mặt Trời

Hải Vân |

Trang Spaceweather.com mới đây đã tiết lộ thông tin về lỗ vành nhật hoa khổng lồ có thể quan sát được trên bề mặt Mặt Trời. Lỗ hổng này đang phát ra những luồng gió vũ trụ cực mạnh, một loại bức xạ đáng chú ý có tốc độ cao bất thường về phía Trái Đất.

Phát hiện lỗ hổng lớn gấp 60 lần Trái Đất trên Mặt Trời - Ảnh 1.

Mặt Trời phóng ra tia lửa M-Class (mức độ vừa phải) vào ngày 25/9/2011. Ảnh: Trung tâm bay không gian Goddard của NASA

Theo đài Sputnik (Nga), lỗ nhật hoa này hình thành vào ngày 2/12 và đạt chiều rộng tối đa 800.000 km. Lỗ hổng này là một mảng tối giống lỗ đen, có kích thước lớn gấp 5 lần Sao Mộc và lớn hơn Trái Đất tới 60 lần. Các nhà khoa học tin rằng đây là kích thước chưa từng thấy ở giai đoạn hiện tại của chu kỳ Mặt Trời.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu dự đoán mảng tối này sẽ dẫn đến một cơn bão địa từ vừa phải trên Trái Đất, có khả năng làm gián đoạn liên lạc vô tuyến. Dù luồng bức xạ phát ra từ lỗ hổng này dường như ít dữ dội hơn dự đoán, song nó đã gây ra cực quang ở các vùng có vĩ độ cao.

Lỗ vành nhật hoa hình thành khi từ trường Mặt Trời mở rộng đột ngột, khiến vật chất từ ngôi sao bị đẩy vào không gian. Do đó, những vùng này xuất hiện dưới dạng các đốm đen vì chúng lạnh hơn và có mật độ plasma thấp hơn không gian xung quanh.

Trong chu kỳ 11 năm, hoạt động năng lượng của Mặt Trời ngày càng trở nên dữ dội hơn khi đạt tới gần mức cực đại. Tuy nhiên, các lỗ vành nhật hoa có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong suốt chu kỳ đó. Một vấn đề khác đang khiến nhà khoa học bối rối là lỗ hổng mới nằm gần xích đạo, chứ không phải xuất hiện xa hơn về phía cực của Mặt Trời như thông thường.

Các nhà thiên văn học trước đây đã ước tính hoạt động của Mặt Trời sẽ đạt cực đại vào đầu năm 2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại