Người ta thường nói dưới đáy đại dương có nhiều kho báu hơn tất cả mọi viện bảo tàng trên thế giới. Vì thế, có những “nhà thám hiểm” kiểu mới xuất hiện tại London và Phố Wall đã và đang sử dụng robot để lùng sục đáy biển. Trong số đó có một thợ săn tàu đắm hoạt động trong nhiều năm để giành lấy những kho báu khổng lồ. Nhân vật này đã giữ kín danh tính của mình cho đến tận bây giờ.
Vào tháng 4/2017, lực lượng bảo vệ bờ biển Iceland đã phát hiện một con tàu trên màn hình phòng điều khiển. Nó chỉ là một dấu chấm đơn độc trên một vùng xanh lam rộng lớn. Trông con tàu không có vẻ gì là đang đánh bắt cá.
Vẻ ngoài màu cam bóng mượt với một sân bay trực thăng nhô ra giống đuôi con bọ cạp của con tàu Seabed Constructor đã thu hút các cảnh sát biển và truyền thông địa phương.
Tàu Seabed Constructor. Nguồn: Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Iceland
Lực lượng bảo vệ bờ biển đã liên lạc với con tàu để xác minh hoạt động của nó và nhận được câu trả lời rằng đây là tàu “nghiên cứu”. Câu trả lời mơ hồ đến nỗi các sĩ quan phái trực thăng đến điều tra và phát hiện một thiết bị được kéo lên khỏi mặt biển. Mặc dù đang ở ngoài lãnh hải của Iceland, một tàu tuần tra có vũ trang của nước này được cử đến để đưa Seabed Constructor về cảng.
Thuyền trưởng và hai người quản lý hoạt động của tàu được đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Cả ba đều nói rằng họ được thuê để tìm kiếm những cổ vật có giá trị trên tàu SS Minden. Đây là một con tàu chở hàng của Đức bị đánh chìm trong Thế chiến thứ hai và nằm ở độ sâu khoảng 2.240 m.
Tàu SS Minden. Nguồn: Wrecksite
Thế nhưng các quan chức hải quan ở Iceland không ngờ được danh tính của người đứng sau vụ việc. Họ không biết rằng con tàu Đức chỉ là một trong hàng chục chiếc tàu mà người đàn ông bí ẩn này tìm kiếm suốt nhiều năm qua. Các phương tiện truyền thông gọi ông là nhà tài chính ẩn danh ở London, là “người cứu tàu đắm vô danh”, là “người khởi tạo”. Ông đã sử dụng công nghệ cao để phục hồi những kho báu lịch sử bị mất, trải dài hàng thế kỷ và khắp các nền văn minh.
Để nối những mảnh ghép lại với nhau, Bloomberg Businessweek đã điều tra hoạt động của nhà tài chính này trong suốt 11 tháng, phỏng vấn hơn 40 nhân viên đã và đang làm việc tại công ty của ông, các nhà thầu, các nhà khảo cổ học và quan chức và luật sư.
Những kho báu lấp lánh dưới đại dương thu hút vô số các nhà thám hiểm, nhưng đa số họ đều nghèo đi thay vì giàu lên sau khi cố gắng tìm kiếm chúng. Có khoảng 3 triệu xác tàu đắm dưới đại dương, chứa đựng khối tài sản trị giá hàng tỷ USD. Nhưng việc tìm kiếm chúng lại nguy hiểm, khó khăn và vô cùng tốn kém.
Ngoài đá quý và các cổ vật, kho báu còn bao gồm các khoáng sản quý hiếm, dầu, khí đốt, kim loại cho pin và các sinh vật chưa được biết đến. Điều quan trọng là ai chạm được đến chúng trước sẽ có lợi thế.
Hiện tại, người duy nhất có đủ nguồn lực để thực hiện và thành công nhất là Anthony Clake. Người đàn ông 43 tuổi này là giám đốc điều hành quỹ phòng hộ Robert Fraser Asset Management và là người cực kỳ kín tiếng.
Tờ Financial Times từng đưa tin rằng, vào năm 2002, sau khi tốt nghiệp tại Đại học Oxford, ông Clake đã phát triển một danh mục đầu tư thành công. Danh mục này chắt lọc khuyến nghị từ khoảng 1.000 nhà phân tích về cổ phiếu để đưa ra các ý tưởng giao dịch. Những người từng làm việc với ông đều nói rằng niềm đam mê của ông là đầu tư, công nghệ và dữ liệu. Nhưng ông đặc biệt quan tâm đến các con tàu đắm.
Năm 2015, quỹ Robert Fraser bắt tay với công ty phục hồi biển sâu Odyssey Marine Exploration Inc. để triển khai một trong những dự án tham vọng nhất có tên “Enigma”. Mục tiêu của họ là tìm kiếm xác con tàu lịch sử Napried được cho là chứa đầy những cổ vật vô giá khi nó chìm ngoài khơi bờ biển Lebanon năm 1872. Clake khi ấy tham gia rất nhiệt tình vào việc xác định vị trí tiềm năng.
Đoàn thám hiểm không tìm thấy tàu đắm Napried nhưng lại vô tình tìm được một số tàu buôn có niên đại trong giai đoạn cuối của Đế chế Ottoman. Bên trong tàu là những chiếc bình tráng men màu ngọc lam, đồ gốm thời nhà Minh của Trung Quốc và tẩu thuốc lá Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm thám hiểm đã sử dụng một phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (ROV) có cánh tay robot để thu về kho báu này. Toàn bộ quá trình tiêu tốn hàng trăm nghìn USD. Trong giai đoạn 2015-2016, ông Anthony Clake cũng đã mua hàng chục phương tiện tự vận hành dưới nước (AUV) từ một nhà sản xuất Na Uy. Nhưng robot này giống quả ngư lôi màu cam có thể lặn sâu tới 6.000 m để quét đáy biển bằng sóng siêu âm. Mỗi chiếc thường có giá vài triệu USD.
Phương tiện tự vận hành dưới nước (AUV)
Tuy nhiên, chính phủ Síp sau đó đã tịch thu toàn bộ cổ vật từ con tàu buôn mà đội thám hiểm tìm được. Vì thế, trước bất kỳ vụ trục vớt tàu đắm nào họ đều đặt ra 3 câu hỏi chính: Có thể tìm thấy con tàu không? Có thể chi tiền cho nó không? Có thể giữ con tàu lại không? Và câu hỏi cuối cùng luôn là câu đặt ra thách thức lớn nhất.
Không chỉ các quan chức Síp muốn thu giữ cổ vật, 73 quốc gia đã phê chuẩn Công ước năm 2001 của Liên Hợp Quốc về Bảo vệ Di sản Văn hoá Dưới nước, trong đó các bên ký kết sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn khai thác thương mại các con tàu đắm.
Nhưng Clake có cách để biến kho báu thành tiền. Ông và các cộng sự đã tìm ra cách hợp pháp hoá quy trình khai thác những con tàu đắm. Bất cứ thứ gì họ tìm thấy đều được báo cáo cho Cơ quan Tiếp nhận Xác tàu ở Vương quốc Anh, nơi có chức năng tìm chủ sở hữu thực của những món đồ bị thất lạc từ khắp nơi trên thế giới và đảm bảo những người trục vớt được thưởng công bằng. Nếu chủ sở hữu xuất hiện, các công ty liên kết với Clake có thể được hậu tạ tới 80% giá trị món đồ. Nhưng nếu không có ai trình báo sau 1 năm, họ có thể giữ những món đồ tìm được bên ngoài lãnh thổ Anh một cách hợp pháp.
Phát hiện lớn nhất của nhà quản lý quỹ phòng hộ chính là con tàu đầu tiên mà ông tìm thấy. Đây là một chiếc thuyền buồm Tây Ban Nha được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Colombia năm 2015. Con tàu mang tên San José được cho là chứa vàng, bạc, ngọc trai và đồ trang sức trị giá từ 1 tỷ USD – 17 tỷ USD. Nhưng sau đó, con tàu này bị nhiều bên tranh quyền sở hữu, khiến chính phủ Colombia tuyên bố đình chỉ kết hoạch trục vớt.
Cổ vật trên tàu San José. Nguồn: YouTube
Cho dù là săn tìm khối tài sản khổng lồ hay đơn thuần là đam mê tìm hiểu cổ vật, Clake vẫn tăng tốc thực hiện nhiều tham vọng xa hơn khi rót tiền đầu tư các máy móc thiết bị tối tân để dò kho báu.
Vào tháng 7/2023, giám đốc điều hành quỹ phòng hộ đã chính thức lên tiếng. “Tôi không làm việc đó vì tiền. Tôi thấy thật thú vị khi sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề dưới biển”, ông trả lời phỏng vấn của Bloomberg Businessweek qua điện thoại. Ông cho biết đã thực hiện tổng cộng 30 vụ trục vớt xác tàu, nhưng không tiết lộ thông tin về số tiền kiếm được từ hoạt động “săn lùng kho báu này”. Hiện ông cho biết không còn dự án nào khác, nhưng vẫn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có cơ hội.
Tham khảo Bloomberg