Với đường bờ biển dài 3.260km, nước ta sở hữu nhiều bãi biển đẹp, quyến rũ du khách không chỉ trong mà còn ngoài nước. Đặc biệt ở miền Trung, tập trung nhiều điểm đến biển lý tưởng bậc nhất. Có thể kể tới như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né, Quy Nhơn hay Phan Thiết...
Những điểm đến này cũng không chỉ có bãi biển xanh, cát trắng, nắng vàng mà còn còn có nhiều hòn đảo nằm trong khu vực mang vẻ đẹp hoang sơ và nét đẹp độc đáo không đâu khác có được. Cái tên được nhắc tới sau đây là một ví dụ, là một hòn đảo thuộc địa phận xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Nhìn từ trên cao, hòn đảo này mang hình dáng kỳ lạ mà có thể nói là không đâu có được. Hình dáng này cũng chính là "khởi nguồn" cho tên gọi của nó. Đây là Hòn Rùa.
Qua những bức ảnh từ drone (camera từ trên cao), hòn đảo với diện tích khiêm tốn trông như một chú rùa biển đang hướng vào đất liền. Hòn Rùa được coi là một trong những ốc đảo hoang sơ nhất trong khu vực, cho đến nay vẫn chưa chịu quá nhiều sự tác động của con người.
Như đã nói ở trên, Hòn Rùa hoang sơ, chưa có nhiều sự tác động của con người. Cảnh quan chủ yếu trên đảo là các ghềnh đá, đan xen là những loài cây dại cùng bãi cát trắng bên bờ biển trong xanh. Cũng chính bởi đặc điểm tự nhiên này mà Hòn Rùa cũng trở thành "mái nhà" lý tưởng của nhiều loài chim, trong đó có cả nhiều loài chim quý.
Chuyên trang Du lịch tỉnh Bình Thuận miêu tả: "Hòn đảo nhỏ chỉ có cỏ, cây, rêu xanh bao bọc các phiến đá. Người dân địa phương dân dã gọi hòn đảo là Hòn Rùa, đôi khi còn là Hòn Nghề. Họ hình dung ra một chú rùa khổng lồ, nghịch ngợm, trồi lên mặt nước đón gió biển, tận hưởng ánh dương".
Diện tích chính xác của Hòn Rùa chỉ vào khoảng hơn 800m2. Trên đảo hoàn toàn không có nhà dân. Chính bởi vậy, hòn đảo cũng chẳng hề có những bãi rác hay rác thải từ đời sống sinh hoạt thường ngày của con người. Thi thoảng trong ngày sẽ chỉ có vài con thuyền đánh cá cập bến ven bờ tại đây để nghỉ chân.
Trên Hòn Rùa hiện nay chỉ có duy nhất một ngôi miếu thờ ông Nam Hải. Theo người dân bản địa, đây là nơi thường xuyên được họ cũng như ngư dân quanh vùng ghé tới để thắp hương, cầu cho một chuyến ra khơi bình an, thuận buồm xuôi gió.
Hòn Rùa cách bờ chỉ khoảng 120m đường biển. Do chưa được khai thác về du lịch nên du khách chỉ có một hình thức duy nhất để ra tới đảo đó là ngồi thuyền gỗ hay ghe của ngư dân, người bản địa. Trước đó, du khách cần di chuyển một quãng đường khoảng 7km nếu xuất phát từ Bàu Trắng, hơn 12km nếu xuất phát từ đồi cát Mũi Né... Với những du khách đi theo nhóm đông người, có thể chủ động hỏi thuê ghe. Mỗi ghe chở được tối đa khoảng 10 du khách.
Tới đảo, du khách sẽ được hoà mình hoàn toàn vào thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, khác xa với không khí trong phố thị xô bồ. Du khách muốn có nơi nghỉ chân, ngả lưng, cần tự chuẩn bị thêm lều, trại. Hiện nay, nhiều du khách đam mê trải nghiệm và khám phá còn yêu thích hoạt động cắm trại lại qua đêm trên Hòn Rùa, để đón được những ánh nắng đầu tiên của buổi bình minh hay ngắm nhìn ánh hoàng hôn khi mặt trời từ từ "lặn" xuống mặt nước.
Hòn Rùa nhìn từ đất liền (Ảnh Du lịch Bình Thuận)
Ngoài ra, du khách đến Hòn Rùa còn cần mang theo một đôi giày, dép chắc chắn. Bởi như đã nói ở trên, hòn đảo có nhiều ghềnh đá, hòn cao hòn thấp, tảng lớn tảng bé, có hòn tù hòn nhọn hoắt như chông... Chen giữa đá là cỏ, rêu. Vì vậy rất dễ gây trơn trượt.
Dù không ở vị trí quá cao, nhưng leo đến nơi cao nhất ở Hòn Rùa, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy những địa điểm khác nằm gần đó. Có thể kể tới như dãy Mũi Né đang hướng ra biển, hay Hòn Rơm hoang sơ không kém...
Để chuyến đi thêm phần trọn vẹn, chắc chắn không thể bỏ qua trải nghiệm thưởng thức hải sản Bình Thuận. Gần khu vực Hòn Rùa có rất nhiều nhà người dân bản địa, cung cấp hải sản cả tươi sống và cả đã chế biến, đánh bắt trong ngày mà giá thành lại rất phải chăng. Du khách có thể tham khảo từ tôm, mực, cá hay đặc sản moi hay còn gọi là con ruốc...