Nhóm các nhà khoa học và khảo cổ học từ Viện Khảo cổ học của Đại học Hồng y Stefan Wyszynski (IA UKSW) ở Warsaw đã hoàn tất cuộc khảo sát LiDAR kéo dài 5 năm về Białowieża.
Białowieża là một trong những khu rừng nguyên sinh cuối cùng ở châu Âu, nằm ở vị trí biên giới giáp với Belarus. Cuộc khảo sát LiDAR cũng được tài trợ bởi Trung tâm Khoa học Quốc gia Ba Lan.
Tổng cộng có 964 di tích từ thời tiền sử cho đến Thế chiến thứ II được tìm thấy, bao gồm 577 bãi chôn lấp, 246 lò than, 54 nhà máy hắc ín, 19 khu phức hợp đất nông nghiệp cổ đại, 51 ngục tối và 17 nghĩa trang chiến tranh. Những di tích này phần lớn thuộc thời La Mã vào khoảng thế kỷ thứ 2 - 5 Công nguyên.
Tiến sĩ Joanna Wawrzeniek từ IA UKSW, điều phối viên chính của dự án cho biết: “Nhờ sử dụng các phương pháp nghiên cứu sáng tạo kết hợp phân tích tự nhiên, chúng tôi đã thu được những kết quả đáng kinh ngạc. Với mục đích bảo tồn, chúng tôi chủ yếu sử dụng các thử nghiệm không xâm lấn bằng cách quét laser trên không”.
Rừng Białowieża ở Ba Lan. Ảnh: bennytrapp / Adobe Stock.
Quét laser từ trên không là một phương pháp nghiên cứu không xâm lấn hiệu quả cao, cho phép thực hiện các khám phá mà không cần khai quật. Phương pháp này cũng không bị cản trở bởi rừng rậm và địa hình khắc nghiệt, giúp nhìn thấy và xác định mọi cấu trúc tự nhiên và nhân tạo như các bãi chôn cất và gò đất.
Bằng chứng về sự cư trú của con người trong thời kỳ tiền sử được tìm thấy ở hai công trình. Hai công trình có cấu trúc kiên cố quy mô lớn nhưng không phải thành trì. Nhiều khả năng chúng đóng một vai trò nghi lễ. Tuy nhiên, để xác định chắc chắn các nhà khoa học vẫn cần thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ học.
Một số cấu trúc cổ xưa được phát hiện trong Rừng Białowieża ở Ba Lan. Ảnh: M. Szubski, M. Jakubczak.
Công trình đầu tiên nằm trong khu bảo tồn nghiêm ngặt của Công viên Quốc gia Białowieża. Nó có đường kính 36 m với một bờ kè nhỏ rộng 3 m. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ gốm Slav thuộc giai đoạn đầu và cuối thời Trung cổ, cùng với các di vật đá lửa cổ.
Công trình thứ hai được tìm thấy ở Wilczy Jar và có đường kính khoảng 17m. Tại đây, các nhà khoa học phát hiện bằng chứng về việc địa điểm đã được sử dụng trong hai thời kỳ: Thế kỷ 4 – 3 trước Công nguyên và thế kỷ 7 – 10 Công nguyên.
Công trình thứ hai có một mặt đường nhỏ, một hố nông, một mảnh sân và một bờ kè. Một số xương động vật bị đốt cháy cũng được tìm thấy ở khu vực lân cận. Ngoài ra còn có kim khí từ thời La Mã mặc dù không có bằng chứng nào về sự chiếm đóng của người La Mã.
Nhóm nghiên cứu cho biết vẫn còn nhiều điều chưa tiết lộ và sẽ được công bố trong các ấn phẩm tiếp theo.