Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí J Peer, dẫn đầu bởi tiến sĩ Jim Thompson, Giám đốc Mạng lưới Bảo tàng Queensland (Úc), cho biết công trình kéo dài 16 năm của họ đã giúp xác định một loài khủng long mới mang tên "Australotitan cooperensis", sống vào khoảng 92-96 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Phấn Trắng.
Ảnh đồ họa mô tả loài thằn lằn hộ pháp mới - Ảnh: Tiến sĩ Scott Hocknull/Đại học Melbourne và Bảo tàng Queensland
Theo Sci-News, bộ xương hóa thạch đầu tiên của loài " siêu quái thú " này được tìm thấy ở Úc vào năm 2005 ở Hệ tầng Winton, phía nam trung tâm lưu vực Eromanga, đã giúp khám phá ra một "thánh địa khủng long" mới ở Úc với vô số loài kỳ lạ được khai quật trong những năm sau đó.
Trong số khủng long đó có tới vài loài thằn lằn hộ pháp (titanosauria), nhóm khủng long có kích cỡ đứng đầu trong một nhóm lớn khủng long gọi là sauropod – những khủng long cổ dài vĩ đại. Australotitan cooperensis lại là một trong những loài lớn nhất của nhóm thằn lằn hộ pháp.
Nghiên cứu từ các hóa thạch cho thấy một con Australotitan cooperensis dài từ 25-30 mét, cao 5-6,5 mét và có trọng lượng 23-74 tấn.
Hình ảnh phục dựng cho thấy đó là một siêu quái thú với nhiều văn trên chiếc cổ dài, thân mình tương đối "thon thả" so với đa số loài thằn lằn hộ pháp nặng nề khác. Các hóa thạch được tìm thấy đều thuộc về một "đại gia đình khủng long", chung sống hòa bình qua nhiều thế hệ.
Ngoài siêu quái thú này, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều loài thằn lằn hộ pháp khác trên đất Úc: Wintonotitan wattsi nhỏ hơn một chút với hông to và chân dài, 2 loài khá "nhỏ" là Diamatinasaurus matidae và Savannasaurus elliottorum có tầm vóc thấp và nặng nề.