Có rất nhiều người sợ cuốn chiếu vì hình dáng của chúng, nhưng đa phần những con cuốn chiếu chỉ có kích thước nhỏ bé, với loài to nhất còn sống hiện tại là cuốn chiếu khổng lồ châu Phi, kích thước của một con trưởng thành có thể lên đến 30 cm.
Cuốn chiếu khổng lồ châu Phi
Nếu bạn nghĩ một con cuốn chiếu dài 30cm đã là đáng sợ thì hãy lấy làm may mắn vì bạn đang sống ở thời hiện đại chứ không phải trong quá khứ, khi mà loài cuốn chiếu có thể to như một con cá sấu.
Một nhóm các nhà cổ sinh vật học đã công bố hóa thạch cuốn chiếu khổng lồ, được tìm thấy trên một bãi biển ở Anh vào năm 2018. Hóa thạch cho thấy nó có chiều dài gần 3m và có thể là động vật ăn thịt.
Vào khoảng giữa tháng 4 năm 2017 và tháng 1 năm 2018, một khối sa thạch lớn đã vỡ ra khỏi vách đá ở Northumbria, Anh và rơi xuống bãi biển bên dưới khoảng 6 m. Một nhà cổ sinh vật học tình cờ đi dạo dọc theo bãi biển đã tìm thấy tảng đá và nhận ra rằng nó có chứa hóa thạch của một con cuốn chiếu khổng lồ.
Sau đó, nhóm nghiên cứu từ Đại học Cambridge đã phân tích hóa thạch này; kết quả của họ đã được công bố gần đây trên Tạp chí Hiệp hội Địa chất.
Neil Davies, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Đó là một khám phá hoàn toàn bất ngờ. Tảng đá rơi xuống và nứt một cách hoàn hảo để lộ ra hóa thạch mà một trong những tiến sĩ của chúng tôi tình cờ phát hiện khi đi ngang qua.”
Sinh vật này là một phần của chi Arthropleura và sống cách đây khoảng 326 triệu năm, tức 100 triệu năm trước khi khủng long xuất hiện. Hóa thạch không có phần đầu, nhưng con vật ước tính có chiều ngang 55cm, chiều dài 2,63 m và có thể nặng 50kg khi còn sống.
Kích thước này giúp nó trở thành động vật không xương sống lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại, vượt qua những con bọ cạp biển khổng lồ ít nhất 10 cm, đây là loài từng giữ danh hiệu này trước đây.
Tiến sĩ Davies nói: “Đó chắc chắn là loài bọ lớn nhất từng xuất hiện trên mặt đất.” Nó lớn đến mức cần đến 4 người để vận chuyển.
Thậm chí, đó có thể còn không phải kích thước lớn nhất của nó, vì các nhà nghiên cứu cho rằng đây không phải cơ thể của con cuốn chiếu mà chỉ là lớp vỏ nó lột ra, nghĩa là nó có thể tiếp tục phát triển lớn hơn nữa.
Ảnh minh họa Arthropleura
Dựa trên vị trí của hóa thạch và khối đá, các nhà nghiên cứu cho rằng hóa thạch này nằm trong một con sông, nơi nó được lấp đầy bởi trầm tích cát để bảo tồn. Một trong những lý do giúp cho động vật thời xưa có thể phát triển đến kích thước cực to là nhờ lượng oxy dồi dào trong khí quyển Trái Đất, nhưng Arthropleura tồn tại trước khi lượng oxy trên Trái Đất đạt đỉnh, vì vậy, có thể một số yếu tố khác ảnh hưởng đến kích thước của nó, chẳng hạn như chế độ ăn.
Davies nói rằng các loài động vật này có thể là những kẻ săn mồi lấy chất dinh dưỡng từ các động vật không xương sống khác hoặc thậm chí cả động vật lưỡng cư, hoặc cả từ đồng loại.
Sự tuyệt chủng của loài cuốn chiếu khổng lồ này có thể liên quan đến biến đổi khí hậu trong thời cổ đại. Davies nói: “Các sinh vật này sống gần đường xích đạo, nơi trở nên nóng và khô trong kỷ Permi. Điều này có thể đã làm thay đổi thảm thực vật và thực phẩm có thể trở nên khan hiếm hơn. Đồng thời, những loài bò sát đầu tiên đang bắt đầu thống trị môi trường sống trên cạn, vì vậy chúng sẽ phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh hơn trong khi lượng tài nguyên ngày càng thu hẹp lại.”
Các nhà nghiên cứu ước tính những con cuốn chiếu này có từ 32 đến 64 chân, ít hơn nhiều so với loài cuốn chiếu có nhiều chân nhất mới được phát hiện gần đây là Eumilipes persephone, một loài cuốn chiếu không có mắt và có thân hình dài như sợi chỉ, gần như gấp 100 lần chiều ngang của nó. Cá thể có nhiều chân nhất được ghi nhận là 1.306 chân.
Khác với Arthropleura, Eumilipes persephone vẫn còn sống nhưng bạn khó mà bắt gặp được vì nó ở sâu dưới mặt đất, tại một vùng của Tây Úc được gọi là Goldfields, nơi khai thác khoáng sản.
Tham khảo: LiveScience