Hệ thống núi đá vôi ở Việt Nam do thiên nhiên kiến tạo từ hàng triệu năm trước, đã tạo thành nhiều danh lam thắng cảnh từ miền rừng núi đến biển đảo. Cao Bằng, một địa phương miền Bắc Việt Nam là một nơi được thiên nhiên ưu ái như thế. Nơi đây vốn không còn xa lạ với hàng loạt địa điểm được quan tâm, tuy nhiên không phải du khách nào cũng biết và đã trải nghiệm “cuộc khám phá lòng đất” thú vị.
Cụ thể, địa điểm để thực hiện trải nghiệm này là hố sụt Canh Cảo – nơi được ví như phiên bản thu nhỏ của hang Sơn Đoòng. Nếu là một tín đồ trekking và đam mê những bộ môn thám hiểm để thử thách bản thân thì du khách chắc chắn không nên bỏ qua.
Đường dẫn tới Hố Sụt Canh Cảo
Khu hố sụt Canh Cảo nằm giữa cao nguyên Lũng Gà, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An. Hố sụt thuộc một phần trong hệ thống núi đá vôi khu Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng – nơi được UNESCO công nhận vào tháng 4/2018.
Thời gian đẹp nhất để ghé thăm nơi đây là vào mùa khô, tức là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau (theo âm lịch). Toàn bộ thung lũng bao quanh hố sụt Canh Cảo là một thảm cỏ xanh biếc, nhưng đến mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 4 âm lịch) thì ngược lại, đường trơn trượt và ẩm ướt gây nguy hiểm cho chuyến đi.
Theo những du khách từng trải nghiệm nhận xét, đường đến hố sụt không hề dễ đi chút nào, thậm chí là rất ngoằn nghèo. Cụ thể, sau khi đặt chân đến Cao Bằng, từ UBND xã Ngũ Lão, du khách sẽ thuê xe để băng qua những cung đường lắt léo lên cao nguyên Lũng Gà. Sau khoảng 5km, mọi người sẽ phải dừng xe leo bộ trên con đường mòn khoảng 2km nữa mới có thể tới khu hố sụt Canh Cảo.
Do được bảo tồn tốt và chưa có sự khai thác, đường mòn xuyên rừng vào khu hố sụt Canh Cảo còn tương đối hoang sơ, xung quanh phủ đầy cỏ cây rậm rạp. Chính vì thế mà du khách nên có người bản địa đi cùng để dẫn đường. Thêm nữa, họ thường mang theo dao vạt cây bên đường để giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn và tránh gai làm bị thương.
“Vầng trăng khuyết” đặc biệt của núi non Cao Bằng
Không gian dưới hố sụt Canh Cảo với vách cao gần 100m và lòng rộng tới vài ngàn m2. Nếu nhìn từ trên cao, du khách có thể thấy cả một dãy núi như bị tạo hóa khoét một lỗ khổng lồ ở giữa. Còn nếu đừng ở dưới đáy hố sụt Canh Cảo nhìn lên, ta sẽ thấy một vòm trời huyền diệu.
Mỗi góc độ dường như lại là một không gian tuyệt vời khác nhau. Nhiều du khách cho biết hố sụt không hề sỏi đá trơ trọi, khô cằn như họ tưởng tượng, thậm chí xung quanh hố sụt Canh Cảo là những vách đá dựng đứng với rêu cỏ lâu đời bám trụ sinh trưởng vô cùng xanh tốt.
Chính những đặc điểm trên đã khiến nơi đây được nhiều du khách ưu ái với tên gọi “tiểu Sơn Đoòng”, hay “vầng trăng khuyết” của núi non Cao Bằng.
Trải nghiệm cảm giác “rơi tự do trong lòng đất”
Một trong những hoạt động được mong chờ nhất của du khách khi tới đây chính là đu dây Abseiling trong hố sụt. Để có được trải nghiệm hoàn hảo, du khách cần có sự chuẩn bị rèn luyện về sức khỏe và thể lực, đảm bảo không mắc các căn bệnh như tim mạch, huyết áp… Sau đó hãy liên hệ với đơn vị tổ chức hoạt động thám hiểm uy tín, họ sẽ hướng dẫn chi tiết.
Nguyễn Thị Ngân (Hải Dương) – cô gái trẻ có trải nghiệm thả mình rơi tự do từ độ cao 40m xuống lòng hố sụt chia sẻ: “Ban đầu mình có hơi sợ hãi và lo lắng. Nhưng sau khi được đơn vị tổ chức hoạt động hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ và cổ vũ, Ngân dần lấy lại sự tự tin cũng như lại càng háo hức hơn khi nhìn những người bạn trong đoàn trải nghiệm. Và khi được thả mình rơi từ độ cao 40m xuống lòng hố sụt, Ngân đã phải thốt lên rằng quá đã!”
Chưa kết thúc ở đó, khi xuống được đến đáy hang, du khách có thể thám hiểm thêm một đoạn hang khô với những phiến đá ngổn ngang xanh màu rêu phong. Cứ đi men theo đường hang, cuối cùng du khách sẽ đặt chân sang sườn bên kia của ngọn núi. Nhiều người từng trải nghiệm đùa rằng, họ như vừa trải qua cuộc phiêu lưu giống trong bộ phim Cướp biển vùng Caribe nổi tiếng.
Khám phá thêm những địa điểm lân cận Hang đá Bản Muồng
Nếu vẫn còn muốn đắm chìm vào những hang động nguyên sơ, vậy thì du khách có thể tiếp tục hành trình đến hang đá Bản Muồng. Nằm ngay gần khu hố sụt Canh Cảo, Bản Muồng là một khu hang động nguyên sơ đẹp không kém. Khu hang động này nằm ở xóm Bản Muồng, xã Thị Ngân, Thạch An. Cửa hang như một mái vòm vô cùng ấn tượng với những nhũ đá đâm xuống tua tủa, lòng hang ước tính rộng đến vài ha.
Đến đây, du khách như lạc vào vườn thạch nhũ độc đáo. Hàng chục cây thạch nhũ lớn, nhỏ mọc lên giữa nền hang. Có những cây thạch nhũ khổng lồ cao hơn 10m, đường kính khoảng 4m vươn lên chạm tới trần hang.
Núi Thủng
Núi Thủng hay còn gọi là Núi Mắt Thần, cùng nằm ở xã Ngũ Lão như hố sụt Canh Cảo. Đây là một nét độc đáo, cực kỳ hiếm trong hệ thống núi đá vôi tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Theo tài liệu nghiên cứu về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, phần lỗ thủng giữa núi có như hiện nay do vận động nâng trong giai đoạn tân kiến tạo (đây là giai đoạn hình thành và phát triển tự nhiên ở Việt Nam kéo dài từ 65 triệu năm trước cho đến ngày nay, trong đó có đặc điểm nổi bật là địa hình được trẻ hóa do vận động nâng).
Dưới chân núi là một thung lũng đặc biệt. Vào mùa khô cỏ cây xanh tốt, du khách có thể đạp xe, cắm trại… Tuy nhiên đến mùa mưa, nơi đây bỗng biến thành hồ nước trong xanh rộng đến 15ha.