Trình bày tại Hội nghị khoa học Mặt trăng và hành tinh đang diễn ra tại Texas (Mỹ), một nhóm nghiên cứu quốc tế đã đưa những phát hiện họ đạt được thông qua việc tái hiện những tác động ngoài hành tinh ở mặt trăng Titan của Sao Thổ.
Quang cảnh trên mặt trăng Titan khá giống với Trái Đất - Ảnh: NASA
Tiến sĩ Léa Bonnefoy từ Đại học Paris (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, nói: "Nếu bạn có nhiều nước lỏng tạo ra một hồ nước ấm tạm thời trên bề mặt, thì bạn có thể có những điều kiện thuận lợi cho sự sống; nếu bạn có vật chất hữu cơ di chuyển từ bề mặt vào đại dương, thì điều đó sẽ làm cho đại dương dễ sinh sống hơn một chút".
Theo bài tóm tắt mà tạp chí Science vừa đăng tải, bằng chứng về các hồ nước đóng băng và hydrocarbon hữu cơ trên mặt trăng Titan từ lâu đã được NASA xác định.
Nghiên cứu mới cho rằng một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đâm vào mặt trăng về mặt lý thuyết có thể trộn lẫn hai thành phần này, từ đó tạo ra sự sống. Và chính các miệng hố va chạm cổ đại sẽ trở thành "cái nôi" của sự sống.
Theo tiến sĩ Alvaro Penteado Crósta từ Đại học Campinas (Brazil), lý thuyết đã được nhóm của ông xác định lại bằng mô hình giả lập về Menrva, miệng hố va chạm rộng 425 km và hình thành khoảng 1 tỉ năm trước trên Titan.
Sức nóng của vụ va chạm sẽ tạo ra một hồ nước, tồn tại khoảng 1 triệu năm trước khi bị đóng băng do nhiệt độ lạnh của Titan, nhưng sẽ đủ thời gian để sự sống dạng vi khuẩn phát sinh – và có khi vẫn tồn tại bên dưới lớp băng ngày nay.
Một miệng hố va chạm khác tên Selk, rộng 90 km cũng đươc coi là ứng cử viên sáng giá. Họ tin rằng Selk ít nhất sẽ chứa các dạng vi khuẩn hóa thạch được bảo quản trong băng.
Selk cũng là mục tiêu sắp tới cho sứ mệnh Dragonfly của NASA – đưa máy bay tự hành dạng chuồn chuồn chạy vào năng lượng hạt nhân đáp xuống Titan vào năm 2036. Mặt trăng này từng được NASA ví von như một Trái Đất thứ 2, bởi các dữ liệu cho thấy nó sở hữu địa hình và nhiều yếu tố giống với hành tinh chúng ta.