Theo Futurism, các nhà khoa học hôm 11/3 công bố phát hiện một hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời có bầu khí quyển cực kỳ giàu chất sắt. "Bầu khí quyển giàu sắt đến nỗi những cơn mưa ở đây cũng đều là sắt", người đứng đầu dự án quan sát David Ehrenreich từ Đại học Geneva, Thụy Sĩ cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính thiên văn cực lớn (ESO's Very Large Telescope) của Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) để quan sát hành tinh kỳ lạ này. Mang ký hiệu WASP-76b, hành tinh này cách Trái Đất 640 năm ánh sáng, nằm trong chòm sao Song Ngư.
Quỹ đạo của WASP-76b cũng giống như quỹ đạo quay của Mặt Trăng với Trái Đất. Phải mất rất lâu để hành tinh kỳ lạ này tự quay quanh trục cũng như quay xung quanh ngôi sao của nó.
WASP-76b nhận được bức xạ gấp hàng nghìn lần từ ngôi sao mẹ của nó so với Trái Đất và Mặt Trời. Thời tiết buổi sáng ở đây nóng đến nỗi nhiệt độ 2.400 độ C khiến các phân tử tách thành nguyên tử.
Do một nửa mặt hành tinh luôn đối mặt với Mặt Trời của nó, trong khi nửa kia mắc kẹt trong màn đêm vĩnh viễn, gió mạnh đẩy hơi sắt nguội đi đến vùng trời đêm, ngưng tụ lại trên bầu khí quyển và rơi xuống tạo thành những cơn mưa kim loại tại vùng hoàng hôn vĩnh viễn.
Nhóm nghiên cứu phân tích WASP-76b thông qua công cụ tên gọi ESPRESSO. Công cụ này vốn chỉ đơn thuần để xác định các ngoại hành tinh, nhưng hóa ra nó còn hoạt động tốt trong cả việc phân tích dữ liệu về hành tinh được phát hiện. "Chúng ta đang tìm hiểu về các ngoại hành tinh theo cách hoàn toàn mới", Ehrenreich nói.