Nhóm nhà khảo cổ học Ai Cập người Ba Lan thuộc Khoa nghiên cứu phương Đông của Đại học Vác sa va do tiến sĩ Kamil Kuraszkiewicz dẫn đầu, từng làm việc gần kim tự tháp Djoser, gần thủ đô Memphis cổ đại ở Hạ Ai Cập, vô tình phát hiện ra nơi mai táng các xác ướp.
Họ hy vọng chúng sẽ giúp hiểu rõ hơn về một địa danh rất quan trọng và cũng là tín ngưỡng tôn giáo của người dân thường Ai Cập cổ đại.
Các chuyên gia đã nghiên cứu địa điểm này trong gần 20 năm và họ đã thu được nhiều phát hiện quan trọng. Trong những năm gần đây, họ đã tìm thấy ngôi mộ của các quý tộc từ thời triều đại thứ 6, có niên đại từ thế kỷ 24 đến 21 trước CN.
Phát hiện xác ướp gần kim tự tháp Djoser
Nhóm nghiên cứu Ba Lan đã tìm thấy các xác ướp trong nghĩa địa Saqqara liền kề với kim tự tháp lâu đời nhất thế giới. Đây được cho là nghĩa địa của người dân Memphis.
Kim tự tháp bậc thang Djoser.
Công trình nổi tiếng nhất trong nghĩa trang này là kim tự tháp bậc thang Djoser, do tư tế huyền thoại Imhotep thiết kế. Kim tự tháp được xây vào thế kỷ 27 trước CN và được coi là kim tự tháp đầu tiên.
Các xác ướp được mai táng sơ sài.
Xác ướp được tìm thấy vào tháng 9 năm ngoái tại một vị trí giữa kim tự tháp bậc thang và hào sâu khô cạn - là mương sâu bao quanh kim tự tháp. Trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, hào sâu khô cạn được coi là con đường hoặc cấu trúc tượng trưng cho con đường pharaoh phải đi qua để sống bất tử.
Hàng trăm xác ướp
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hàng trăm xác ướp đang trong tình trạng xuống cấp. Quan tài bằng gỗ và các vật liệu hữu cơ khác đã bị phân hủy.
Phần lớn các xác ướp được mai táng sơ sài, trái ngược với giới thượng lưu được chôn cất công phu. Có thể nhận thấy rằng những người được chôn cất tại đây thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Ai Cập cổ đại.
Các mảnh còn lại của bình đựng di cốt cho thấy rằng chúng được làm không bền vững. Xác ướp chỉ được ướp sơ sài, quấn băng rồi đặt vào mộ chôn trong cát, có hình tượng thần Anubis Xanh bảo vệ mộ.
Hình tượng thần Anubis Xanh.
Trong nghĩa địa, không có đồ trang trí nào có liên quan đến chôn cất giới quý tộc, quan lại và Pharaoh. Điều thú vị là, các nhà khảo cổ tìm thấy một chữ tượng hình được viết nghuệch ngoạc trên một chiếc quan tài. Tiến sĩ Kuraszkiewicz nói rằng chưa bao giờ thấy chữ tượng hình như thế. Dường như thợ thủ công vẽ ra chữ không phải để hậu thế đọc.
Xác ướp kim tự tháp Djoser đã 2.600 năm tuổi
Các xác ướp được khai quật đều có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước CN đến thế kỷ 1 sau CN. Việc phát hiện các xác ướp này giúp cho các nhà nghiên cứu biết về tập tục an táng và niềm tin vào thế giới bên kia của người Ai Cập.
Bức tranh mô tả quá trình ướp xác, treo trong bảo tàng Ai Cập.
Qua xem xét các xác ướp, các nhà khảo cổ thấy người nghèo cũng thực hiện những tập tục như người giàu có và quyền lực nhưng làm theo cách khiêm tốn hơn.
Hơn nữa, việc phát hiện ra hàng trăm xác ướp còn cho thấy nghĩa địa Saqqara quan trọng như thế nào. Trong nhiều thế kỷ, mọi tầng lớp xã hội Ai Cập cổ đại đều được chôn cất tại đây.
Nguồn bài và ảnh: Ancient Origins