Một ngày tháng 10 năm 2013, anh Liêu Trị Quân và em trai Liêu Đức Binh ở làng Phong Lạc, ở thị trấn Phiếu Thảo, huyện Vân Dương, Trùng Khánh, Trung Quốc đang làm việc tại công trường của hợp tác xã. Đột nhiên, máy xúc của họ bị chặn bởi một vật gì đó rất cứng, dù có xúc mạnh đến đâu cũng không thể di chuyển được khối đất ở dưới.
Sự việc này buộc họ phải tạm dừng công việc để kiểm tra và phát hiện vật cản là rất nhiều khối gỗ lớn. Khi chúng được đào lên khỏi mặt đất, cả hai anh em nhà họ Liêu đều ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu phát ra từ khối gỗ này. Sau khi tiến hành đo đạc, cả hai cho biết số gỗ họ đào được ước tính nặng gần 13 tấn. Cây dài nhất lên đến 11,2 mét và cây lớn nhất có đường kính 60cm.
Tuy nhiên, vì chưa biết làm gì nên cả hai chỉ chất bừa chúng sang một bên để tiếp tục công việc. Họ dự kiến sẽ phơi khô số gỗ đen này và giao cho cơ quan quản lý di tích văn hóa địa phương xử lý.
Tuy nhiên, điều họ không ngờ tới là những cây gỗ này lại là mục tiêu của bọn trộm gỗ. Khi 2 người đàn ông này đến công trường vào ngày hôm sau, họ phát hiện gần 1/4 số gỗ đen chất đống ở đây đã biến mất. Và phần gỗ đen còn lại đã bị cưa nhỏ. Nhận thấy sự việc ngoài tầm kiểm soát, cả hai đã ngay lập tức gọi báo cảnh sát.
Nhận được tin báo, cảnh sát Trung Quốc đã nhanh chóng có mặt và phong tỏa hiện trường. Theo thông tin mà cảnh sát ghi nhận được tại thời điểm đó, khoảng 4 tấn gỗ đã bị đánh cắp chỉ trong một đêm, trong đó có cây dài nhất. Trong số 9 tấn gỗ còn lại, khúc gỗ dài nhất là 5m và khúc gỗ lớn nhất có đường kính lớn 50 cm.
Sau đó, số gỗ còn lại đã được bàn giao cho cơ quan quản lý di tích văn hóa địa phương. Qua quá trình phân tích và đánh giá, các chuyên gia cho biết những khúc gỗ đen này đều là gỗ âm trầm, có niên đại hơn 3.800 năm tuổi, vô cùng quý hiếm. Họ cũng ước tính giá trị của 9 tấn gỗ âm trầm này lên tới hơn 20 triệu NDT. Đáng buồn là phần còn lại đã bị đánh cắp, số phận của chúng vẫn là một bí ẩn.
Trước đó vào tháng 9 năm 2013, một nông dân tên Lương Tài ở thị trấn Tây Cương, huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, cũng vô tình phát hiện một cây gỗ âm trầm dài 24m nằm dưới lớp phù sa ở bên bờ sông trong làng. Người đàn ông này phải mất đến 2 ngày mới có thể đưa cây gỗ này lên khỏi mặt đất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, cây gỗ này là gỗ âm trầm khoảng 1.000 năm tuổi. Nếu cây gỗ này được bán ra thị trường vào thời điểm đó, giá của nó có thể lên đến 500 triệu NDT (hơn 1.752 tỷ đồng). Tuy nhiên, bên cạnh giá trị về kinh tế, loại gỗ này cũng có giá trị nghiên cứu cao, vì vậy nên các chuyên gia đã khuyên anh Lượng bàn giao “báu vật nghìn tỷ” này cho chính quyền. Bù lại, họ cũng hứa sẽ bồi thường cho anh một số tiền nhất định.
Có thể nói, việc người dân Trung Quốc đào được gỗ âm trầm không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên ban đầu, ít người biết những cây gỗ họ đào được là quý giá cho đến khi các chuyên gia vào cuộc thẩm định.
Về đặc điểm tự nhiên, gỗ âm trầm thường có màu đen sẫm, phát ra hương thơm tự nhiên, thớ gỗ mịn gần như không có xơ gỗ và rất bền, cứng, không bao giờ lo bị mục nát. Kết cấu đặc biệt này của loại gỗ này là nhờ trải qua quá trình bị cacbon hóa cùng sự xâm nhập của các loại khoáng chất khác do bị vùi mình trong đất và nước cả vạn năm.
Cũng vì là loại gỗ “cực phẩm” nên gỗ âm trầm được coi là tinh hoa của trời đất, được mệnh danh là “Đông phương thần mộc”. Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc, gỗ âm trầm đã trở thành loại gỗ quý chuyên được dùng cho tất cả các cung điện hoàng gia và được dùng làm quan tài cho vua chúa. Việc phát hiện khúc gỗ âm trầm nghìn năm tuổi này có giá trị nghiên cứu khảo cổ nhất định về những thay đổi của lòng sông và môi trường sống ở địa phương.
(Theo Kknews.cc)