Nghiên cứu mới từ Trường Y khoa thuộc Đại học California ở San Diego (Mỹ) và Hệ thống Chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh San Diego cho thấy beta-amyloid có thể không phải là thủ phạm dẫn đến Alzheimer như suy nghĩ bấy lâu.
Thay vào đó, thủ phạm thực sự có thể là sự suy giảm chất não trong một khu vực gọi là vỏ não nội khứu (entorhinal cortex – EC, nằm trong thùy thái dương giữa, hoạt động như trung tâm của mạng lưới ghi nhớ - điều hướng – nhận thức thời gian). Một nghiên cứu trong quá khứ cũng đã tìm ra sự giảm thể tích võ não nội khứu ở người mắc căn bệnh Alzheimer.
Alzhiemer và các căn bệnh mất trí nhớ khác là một trong các nguyên nhân gây chết sớm thuộc "top"
Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã nghiên cứu trên 747 tình nguyện viên, được quét não bằng nhiều phương pháp. Trong số các tình nguyện viên có 305 người khỏe mạnh về mặt nhận thức, 288 người bị suy giảm nhận thức nhẹ và 153 người có dấu hiệu của "sự khó khăn nhận thức tinh tế được xác định khách quan" - Obj-SCD.
Kết quả cho thấy cho dù những người bị suy giảm nhận thức nhẹ có lượng beta-amyloid khá cao trong não, nhưng tốc độ tích tụ beta-amyloid sau đó vẫn không nhanh hơn người khỏe mạnh về mặt nhận thức. Theo các tác giả, sự thay đổi về mặt nhận thức có thể bắt đầu trước khi beta-amyloid bị tích tụ cao bất thường.
Theo giáo sư Mark Bondi, tác giả cao cấp của nghiên cứu, phát hiện này cho thấy đã đến lúc nên phân tích cặn kẽ lại những gì có thể là nguyên nhân dẫn đến Alzheimer và các bệnh trí nhớ khác. Nhiều năm qua, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra và củng cố dần bằng các chứng cứ, tuy nhiên một sự khẳng định chắc chắn thì chưa có. Điều này khiến công việc tìm ra phương pháp chữa bệnh là vô cùng khó khăn.
Nhóm bệnh mất trí nhớ, trong đó phổ biến nhất là căn bệnh Alzheimer được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hàng thứ 5 trong các nguyên nhân gây tử vong sớm. Ở nhiều quốc gia phát triển, có tuổi thọ cao, nguyên nhân này thậm chí được xếp hạng nhất, nhì trong các căn bệnh – tình huống y khoa gây tử vong sớm.