Khám nghiệm xác cá voi gần 8 m dạt vào khu vực bãi biển gần điểm du lịch nổi tiếng tại Italy, các nhà khoa học và hoạt động vì môi trường đã không khỏi bất ngờ khi cho biết trong bụng con cá voi dạt vào bờ biển Sardinia có vô số loại rác thải nhựa.
Trả lời CNN, ông Luca Bittau, chủ tịch nhóm bảo vệ môi trường SeaMe, cho biết: “Chúng tôi tìm thấy nhiều túi rác, lưới đánh cá, các loại dây, ống nhựa, túi đựng nước giặt tẩy vẫn còn thấy rõ nhãn hiệu và mã vạch. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy nhiều rác thải không thể nhận dạng được nữa”.
Xác cá voi trôi dạt vào Sardinia, Italy.
Cùng với đó, ông cũng thông tin thêm về. tìm thấy bào thai cá voi con trong xác cá voi mẹ :” Bào thai có thể đã chết trước khi nó dạt vào bờ. Khi chúng tôi phát hiện thì bào thai đã trong tình trạng phân hủy nặng nề”.
Có 22 kg nhựa trong dạ dày cá voi.
Rất nhiều người dùng mạng xã hội đã bày tỏ phẫn nộ về sự kiện trên. Trong đó, bao gồm cả những nhân vật có tiếng nói trong chính quyền Italy như Bộ trưởng Sergio Costa. Ngày 31/3, trên mạng xã hội, ông đã bày tỏ quan ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
“Có ai còn bảo những vấn đề này không hề nghiêm trọng nữa không? Đối với tôi, chúng đã trở thành các ưu tiên hàng đầu”, ông nhấn mạnh.
“Rác thải trên biển tác động đến toàn bộ đại dương trên thế giới, không chỉ riêng Italy. Tất cả các nước có trách nhiệm thực thi những chính sách chấm dứt tình trạng này”, ông tuyên bố trên tài khoản Facebook cá nhân.
“Chúng ta bình thản hưởng thụ sự 'tiện lợi' khi vứt rác một cách vô tội vạ suốt nhiều năm trước. Giờ đây chúng ta đang phải trả giá. Hơn thế nữa, tất cả các sinh vật trên Trái Đất cũng đang phải trả giá vì chúng ta”, vị bộ trưởng viết.
Sergio Costa cũng đề cập đến luật cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, vừa được Nghị viện châu Âu thông qua và sẽ có hiệu lực từ năm 2021.
“Ý sẽ là một trong những nước đầu tiên thực thi đạo luật này. Cuộc chiến chống rác thải nhựa đã bắt đầu. Chúng ta sẽ không dừng lại”, ông nhấn mạnh.
Rác thải nhựa hiện đang là một vấn đề đáng quan ngại trên thế giới không chỉ tại Ý mà còn ở nhiều khu vực khác như Đông Nam Á.
Một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Ocean Conservancy (Mỹ) cho thấy Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã thải rác nhựa vào đại dương nhiều hơn so với cả thế giới cộng lại.