Phát hiện "gã du mục" DeeDee: Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời?

Trang Ly |

DeeDee là "một gã du mục" đang lang thang ở khu vực rìa Hệ Mặt trời. Liệu nó có hội đủ điều kiện để trở thành hành tinh thứ 9 trong Thái Dương Hệ?

Giới thiên văn học vừa công bố thông tin và hình ảnh về một thiên thể "lang thang" ở rìa ngoài của Hệ Mặt trời có tên DeeDee (Viết tắt của từ Distant Dwarf, có nghĩa là Sao lùn xa).

Mặc dù DeeDee được nhóm các nhà khoa học thuộc trường Đại học Michigan (Mỹ) phát hiện từ cuối năm 2016, nhưng nó ít được biết đến vì các nhà khoa học chưa quan sát được cấu trúc vật lý của ngôi sao lùn xa này (Khái niệm sao lùn của DeeDee đang được các nhà thiên văn học cân nhắc).

Với sự trợ giúp của Hệ kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới (ALMA), những thông tin quý giá và bí ẩn về DeeDee đã được lật mở. Nó thậm chí còn có kích thước lớn hơn nhiều so những gì mà các nhà thiên văn học dự kiến.

Phát hiện gã du mục DeeDee: Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời? - Ảnh 1.

DeeDee có kích thước bằng 2/3 kích thước của hành tinh lùn Ceres, vật thể lớn nhất và nặng nhất trong vành đai tiểu hành tinh.

Theo đó, DeeDee có kích thước bằng 2/3 kích thước của hành tinh lùn Ceres, vật thể lớn nhất và nặng nhất trong vành đai tiểu hành tinh.

Vì ở khu vực rìa Hệ Mặt trời, DeeDee phải mất 1.100 năm mới có thể quay đủ một vòng quay Mặt trời. Cũng vì khoảng cách quá xa Mặt trời này mà nhiệt độ bề mặt của DeeDee là âm 243°C.

Quan sát mới nhất của ALMA cho thấy, DeeDee cách Trái Đất đến 137 tỷ km. Ánh sáng của DeeDee phải mất 13 giờ mới có thể tới Trái Đất. Trong khi đó, ánh sáng Mặt trời mất 8 phút 19 giây để tới hành tinh của chúng ta.

Hành trình không ngừng nghỉ kiếm tìm "hành tinh thứ 9" của Hệ Mặt trời

Giáo sư David Gerdes, trưởng nhóm thiên văn phát hiện DeeDee cho biết: "Tại khu vực rìa Hệ Mặt trời rất "giàu" những thiên thể như vậy. Một số chúng có kích thước nhỏ, số khác lại có kích thước tương đương với thiên thể Pluto (Sao Diêm Vương)."

Phát hiện gã du mục DeeDee: Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời? - Ảnh 2.

Hình ảnh hành tinh lùn Eris, "kẻ" đã giáng chức "hành tinh" của Sao Diêm Vương xuống "hành tinh lùn". Ảnh: NASA.

Trước đó, vào năm 2005, nhóm các nhà khoa học do nhà thiên văn học Michael E. Brown thuộc đài quan sát Palomar (tại hạt San Diego, California, Mỹ) dẫn đầu đã phát hiện hành tinh lùn Eris.

Việc thiên thể Eris có kích thước lớn hơn rất nhiều so với Sao Diêm Vương khiến các nhà khoa học phải viết lại danh xưng hành tinh cho Sao Diêm Vương.

Sao Diêm Vương bị giáng xuống danh xưng "hành tinh lùn" vì không hội đủ 3 điều kiện của một hành tinh, khi khối lượng của nó không đủ lớn để "làm sạch" vùng lân cận của mình (tức là hút hoặc đẩy mọi thiên thể nhỏ nằm trong quỹ đạo của riêng nó).

Phát hiện gã du mục DeeDee: Hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời? - Ảnh 3.

Hệ kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới (ALMA) đã góp phần giải mã bí ẩn về DeeDee. Ảnh: Internet.

Sau sự kiện phát hiện Eris, năm 2006, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) đưa ra 3 điều kiện của một hành tinh, bao gồm: (1) Có quỹ đạo quay quanh Mặt trời; (2) Có kích thước đủ lớn để có trọng lực riêng và phải có dạng hình cầu; (3) "Làm sạch" được vùng lân cận của riêng mình.

"Vì ở khoảng cách quá xa so với Trái Đất, việc nghiên cứu và gọi tên các thiên thể này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát hiện DeeDee cho thấy, công nghệ vũ trụ hiện đại đang có những bước tiến xa trong việc xác định hành tinh thứ 9 trong Hệ Mặt trời.", giáo sư David Gerdes kết luận.

Với những điều kiện này, giới thiên văn học sẽ tiếp tục nghiên cứu DeeDee để xem nó có khả năng "làm sạch" được vùng lân cận của riêng mình để trở thành hành tinh thứ 9 hay không.

Sao Diêm Vương, Ceres, Eris, Makemake, Haumea, Sedna là những hành tinh lùn được phát hiện trong Hệ Mặt trời tính cho đến nay.

Bài viết sử dụng các nguồn: Sciencealert, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại