Trong đợt khai quật gần đây tại di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ, các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện di cốt một người đàn ông, cao khoảng 1m65. Các chuyên gia nhận định người này có thể đã nắm giữ một vị trí cao trong cộng đồng vì 2 chiếc nanh thú ở hai bên cổ.
Di cốt người cổ được phát hiện tại khu di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ. Ảnh: Lam Điền
Di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ (thuộc ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM) được phát hiện năm 1993, khai quật lần 1 năm 1994, thám sát năm 2018. Tổng diện tích khu Giồng Cá Vồ là 29.000 m2, trong đó khu vực trung tâm - khu vực 1 của di tích nằm trên một giồng đất đỏ cao hơn khu vực xung quanh khoảng 1,5 m, có diện tích là 7.000 m2.
Tại các hố khai quật của di tích Giồng Cá Vồ, các nhà khảo cổ trước đó đã nhiều lần phát hiện các mộ chum, mộ đất cùng hàng trăm di vật quý bằng các chất liệu như đá quý, thuỷ tinh, nhuyễn thể. Một số di vật lần đầu tiên được phát hiện tại di tích như: khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, lá vàng, hiện vật hình tù... chứa đựng giá trị lịch sử, văn hoá và đặc biệt là lịch sử hình thành, phát triển vùng đất này cách đây trên 2.000 năm.
Niên đại của di tích Giồng Cá Vồ được các nhà nghiên cứu xác định khoảng từ 2.500 năm trước đến khoảng đầu Công nguyên.
Hiện trường khai quật di tích Giồng Cá Vồ năm 2021.
Một số di vật quý được phát hiện trong đợt khai quật năm 2021