Các nhà nghiên cứu gọi đó là Sự kiện Chuyển đổi Địa từ của Adams, lấy theo tên của nhà văn khoa học viễn tưởng Douglas Adams, tác giả của cuốn tiểu thuyết “The Hitchhiker's Guide to the Galaxy” (“Bí kíp quá giang vào Ngân Hà”).
Đó là khi các cực từ của Trái đất bị dịch chuyển và xảy ra những thay đổi trong hoạt động của Mặt trời. Sự kiện này được xác định niên đại nhờ tàn tích của những cây Agathis australis New Zealand. Loài cây này ghi lại được trong các vòng vân gỗ của mình mức tăng vọt của carbon phóng xạ trong khí quyển do từ trường Trái đất sụp đổ.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng sự gia tăng của các tảng băng và sông băng ở Bắc Mỹ cùng những thay đổi toàn cầu về gió và bão nhiệt đới trùng khớp với sự kiện Adams. Cũng vào thời kỳ này, sự tuyệt chủng hàng loạt đã ảnh hưởng đến megafauna (động vật lớn) của Úc và Tasmania, khi môi trường sống trở nên khô cằn hơn. Các tác giả cũng gắn sự biến đổi khí hậu toàn cầu với sự biến mất của người Neanderthal.
Trong khi diễn ra sự kiện này, từ trường Trái đất gần như biến mất hoàn toàn, trong khi Mặt trời bước vào giai đoạn hoạt động cực tiểu, đồng thời tăng cường tác động của các tia vũ trụ. Kết quả là, sự ion hóa của các lớp bên ngoài của bầu khí quyển tăng lên, và các cực quang bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn ở các vĩ độ thấp hơn. Có lẽ những thay đổi này đã buộc con người phải tìm nơi ẩn náu trong các hang động, tạo động lực cho sự phát triển của nghệ thuật khắc trên vách đá.