Từ sự tình cờ năm 1971...
Nằm giữa sa mạc Karakum (Trung Á) cách thủ đô của Turkmenistan 260 km về phía Bắc, Derweze là một vùng rất giàu khí thiên nhiên.
Với mong muốn khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ này, năm 1971, các nhà địa chất Liên Xô đã tiến hành khoan thăm dò tại khu vực gần làng Derweze.
Trong quá trình khoan, các nhà địa chất khoan phải một túi khí lớn. Mặc dù không ai bị thương nhưng mặt đất bên dưới mũi khoan nhanh chóng đổ sụp tạo thành miệng hố khổng lồ đường kính 70 mét, khiến khí gas thoát ra không ngừng.
Miệng hố Derweze trước khi cháy. Ảnh: National Geographic.
Các nhà địa chất đã đặt tên cho miệng hố này là hố Derweze. Nó còn có các tên khác như hố địa ngục Derweze hay cổng địa ngục.
Lý giải cho từ "địa ngục" ở đây, mời độc giả tiếp tục khám phá điều kỳ lạ tiếp theo.
... đến sự kỳ lạ diễn ra liên tiếp hơn 40 năm
Để "vô hiệu hóa" khí gas thoát ra gây độc cho người dân và bầu khí quyển tại Derweze, các nhà địa chất học quyết định đốt túi khí này với hi vọng sẽ tiêu tan được lượng khí metan độc trong... vài ngày.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ đã xảy ra liên tục từ đó cho đến nay mà chưa một ai có thể giải thích được: Ngọn lửa trong hố gas sâu 20 mét vẫn tiếp tục cháy từ năm 1971 đến nay mà chưa hề tắt một phút nào. Quầng sáng màu vàng của hố Derweze có thể nhìn rõ vào ban đêm cách đó vài km.
Hố Derweze vẫn cháy hơn 40 năm qua. Ảnh: National Geographic
Video: Hố Derweze tiếp tục cháy từ năm 1971 cho đến ngày nay
Vì sự cháy không ngừng nghỉ của hố Derweze, nhiều người dân địa phương đã gọi nó là "cổng địa ngục".
Vào năm 2004, Tổng thống Turkmenistan là Gurbanguly Berdimukhamedov đã di dời người dân gần làng Darvaza quanh khu vực hố vì lý do an toàn.
Vì không ai biết, hố Darvaza còn cháy đến bao lâu và nó còn thải những khí độc vô hình nào lên bầu khí quyển.
Được biết, cửa hàng gần chiếc hố này cũng phải cách đó 90km. Tuy nhiên, không vì thế mà nơi đây thiếu khách du lịch và các nhà thám hiểm.
Phát hiện dạng sống tại hố địa ngục Darvaza
Vào năm 2013, nhà thám hiểm người Canada George Kourounis trở thành người đầu tiên khám phá hố Derweze với mục đích tìm hiểu dấu vết của sự sống trong môi trường khắc nghiệt của Derweze.
Dự án khám phá của nhóm George Kourounis mất 18 tháng để chuẩn bị. Ngoài những dụng cụ leo núi, đồ bảo hộ, hệ thống cáp treo... nhóm của nhà thám hiểm Canada còn phải tập làm quen với hơi nóng thoát ra từ miệng hố.
Nhà thám hiểm đang đó nhiệt độ gần miệng hố. Hơi nóng phả ra rất dữ dội. Ảnh: National Geographic.
Phát biểu với National Geographic, các nhà thám hiểm cho biết, họ phát hiện những vi khuẩn sống bên dưới hố địa ngục.
Phát hiện này cho thấy, các dạng sống trên Trái Đất hết sức phong phú. Điều này cho phép chúng ta nghĩ tới các dạng sống tồn tại bên ngoài vũ trụ của chúng ta.
Bởi vì, theo các nhà khoa học, một số hành tinh ngoài Trái Đất có điều kiện rất giống bên trong hố Derweze.
Các nhà thám hiểm liên tục nghiên cứu...
... và thám hiểm hố Derweze. Ảnh: National Geographic.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà địa chất phát hiện sự kỳ lạ trong lòng Trái Đất chúng ta.
Vào năm 1962, trong chương trình thám hiểm lòng đất có tên "Siêu hố sâu Kola" (Kola Superdeep Borehole), các nhà địa chất Liên Xô cũng phát hiện 24 loài sinh vật phù du khác nhau trong lớp trầm tích bên dưới lỗ khoan sâu 12.262 mét tại Vùng gián đoạn Mohorovičić.
Các mốc độ sâu của Kola Superdeep Borehole mà các nhà địa chất Liên Xô thực hiện được. Ảnh: Dailykos.
Điều này chứng tỏ, các sinh vật này chịu được sức ép cùng nhiệt độ khổng lồ để thích nghi với sự sống trong lòng đất. Vì vậy, ở đâu đó trong vũ trụ bao la, sự sống dù ở dạng đơn bào đơn giản, chắc chắn vẫn đang tồn tại.
Con người Trái Đất chúng ta có phát hiện được hay không chỉ còn là vấn đề thời gian!
Nguồn: Advantour, Theguardian, Wikipedia