Theo Live Science, nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Thomas Opel từ Viện Alferd Wgener (Đức) cho thấy hố sụt khổng lồ Batagay Crater có thể được sử dụng để tái tạo khí hậu cổ đại của Trái Đất.
Bởi lẽ, Batagay Crater chứa đựng lớp băng vĩnh cửu có niên đại lên tới 650.000 năm, lâu đời nhất Siberia và lâu thứ 2 trên thế giới, chỉ xếp sau một khu vực thuộc vùng Yukon - Canada.
Batagay Crater - Ảnh: ĐẠI HỌC QUỐC GIA MOSCOW (ĐẠI HỌC LOMONOSOV)
Batagay Crater là một phần sườn đồi khổng lồ bị sụp đổ ở vùng cao Yana, phía Bắc vùng Yakutia - Nga, thuộc vùng đất băng giá rộng lớn Siberia và từ lâu đã được người dân địa phương gọi là "cổng vào thế giới ngầm ".
Nó nổi bật như một vùng cằn cỗi giữa rừng thông rụng lá và bạch dương, mà nạn phá rừng qua các năm cộng với nhiệt độ tăng cao đã khiến băng giá đổ vào ngày càng nhiều, khiến toàn bộ hố sụt có diện tích lên tới 0,8 km2 và trở thành hố băng sụt lớn nhất trên Trái Đất, với những bức vách cao tới 55 m.
Theo bài công bố trên Quaternary Research, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 3 phương pháp để định tuổi lớp băng, bao gồm phương pháp cổ điển thông qua đồng vị carbon phóng xạ.
Như một hồ chứa an toàn cho các lớp băng hà suốt 650.000 năm, Batagay Crater là hố trầm tích khổng lồ có thể tiết lộ những gì đã xảy ra đối với môi trường và khí hậu trong khu vực, nhờ vào việc phân tích thành phần hóa học của các lớp trầm tích.
Thông thường các nhà khoa học sẽ sử dụng kỹ thuật khoan sâu để lấy lên một lõi băng dài, với nhiều lớp băng chứa đựng trầm tích qua các năm. Nhưng quan trọng nhất là phải biết nên khoan ở đâu - đó là điều nghiên cứu mới này đã làm được.
Ngoài ra, việc phân tích sơ bộ cũng tiết lộ 2 "khoảng trống" trầm tích, gần như không có băng đổ vào, vào khoảng 130.000 và 200.000 năm về trước. Cái thứ nhất thuộc về thời kỳ ấm áp đã được biết, cái thứ hai chưa từng biết.
Việc nghiên cứu chi tiết những thay đổi trước và sau 2 thời kỳ đó có thể giúp chúng ta hiểu thêm về biến đổi khí hậu thời hiện đại.