Được làm bằng gỗ, có khả năng nó từng là một con đường đi qua vùng đầm lầy - hoặc một bệ nâng ở nơi có thể là một khu vực săn bắn hoặc giết mổ. Nó được khai quật trên vùng đất ngập nước ở phía Bắc Zambia và có tuổi đời ít nhất gấp đôi so với bất kỳ công trình kiến trúc nhân tạo nào khác được biết đến. Phát hiện này có thể sẽ giúp các nhà khảo cổ hiểu thêm về sự phát triển công nghệ và khả năng nhận thức sơ khai của con người.
Con đường bằng gỗ cho thấy sự hiện diện của con người thời tiền sử ở bờ Nam sông Kalambo. Nó được tìm thấy chỉ cách hai kỳ quan thiên nhiên ngoạn mục nhất thế giới vài trăm mét – một thác nước cao 235 mét và một hẻm núi sâu 300 mét. Dường như thác nước và địa hình địa phương đa dạng là nguyên nhân gián tiếp thu hút những người săn bắt hái lượm đầu tiên đến khu vực này, bao gồm cả những “kỹ sư” và thợ mộc xây dựng đầu tiên trên thế giới.
Cây gỗ dài 1,4 mét được tạo hình bởi loài người đã tuyệt chủng cách đây nửa triệu năm.
Chiếc nêm cổ làm từ gỗ.
Ngay phía trên nguồn thác là một vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, nơi có đầm đỏ, hồ nhỏ, rừng ven sông cũng như con sông chính. Còn ở dưới hạ lưu, dòng sông chảy qua một hẻm núi dài gần 5 km đầy ấn tượng với khu rừng nhiệt đới địa phương, một phần được tạo ra bởi thác nước. Và cách đó một đoạn nữa, con sông chảy ra một trong những hồ lớn nhất châu Phi, Tanganyika, nơi đặc biệt giàu cá. Môi trường này sẽ thu hút nhiều loài động vật khác nhau và sẽ có các loại thực vật, trái cây và các loại hạt khác nhau và tất cả những yếu tố đó chắc hẳn đã thu hút những con người sơ khai.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hai phần của cấu trúc gỗ, một phần thân cây dài 1,4 mét và một gốc cây, cả hai đều đã được sửa đổi bởi những người thợ mộc thời tiền sử. Thân cây đã được tạo hình sao cho thuôn nhọn ở hai đầu với một rãnh hình chữ U dài 13 cm được khắc bên sườn. Sau đó, nó được đặt nằm ngang trên gốc cây đã được chạm khắc sao cho 20 cm trên cùng của nó có thể nằm gọn trong rãnh hình chữ U. Bằng cách đặt thân cây theo cách này, nó đã được “cố đỉnh” một cách hiệu quả trên gốc cây, đảm bảo rằng đường đi sẽ cao hơn đầm lầy khoảng 20 cm.
Được tìm thấy cách đó chỉ vài mét, cũng có niên đại khoảng nửa triệu năm trước, còn có một chiếc nêm gỗ lớn, nhiều khả năng được dùng để xẻ gỗ. Các nhà khảo cổ học cũng đã khai quật được nhiều loại dụng cụ cắt, băm và cạo, tất cả đều làm bằng đá và cả một lò sưởi để nấu ăn.
Những người tiền sử sống ở đó thuộc một loài hiện đã tuyệt chủng được gọi là Homo heidelbergensis – họ đã xâm chiếm hầu hết châu Phi, Tây Á và châu Âu vào thời điểm đó và phát triển mạnh mẽ 600.000 năm trước. Tuy nhiên, vào khoảng 300.000 năm trước, Heidelbergensis đã tuyệt chủng - có thể là do sự cạnh tranh từ những loài người mới hơn, tiến bộ hơn, cụ thể là người Neanderthal và chính chúng ta (Homo sapiens).
Các cuộc điều tra đã được thực hiện trong bốn năm qua bởi các nhà khảo cổ học và nhà khoa học khác có trụ sở tại Anh, Bỉ và Zambia - từ các trường đại học Liverpool, Aberystwyth, Royal Holloway và Liège, và từ Ủy ban Bảo tàng Quốc gia và Cơ quan Bảo tồn Di sản Quốc gia của Zambia. Một báo cáo học thuật về dự án, mang tên “Nguồn gốc sâu xa của nhân loại”, đã được tạp chí khoa học Nature công bố vào thứ Tư (20/9). “Phát hiện này đang giúp chúng ta thay đổi cách nhìn nhận loài người đã tuyệt chủng từ lâu”, giám đốc dự án, giáo sư Larry Barham từ Khoa Khảo cổ học, Cổ điển và Ai Cập học của Đại học Liverpool (Anh), cho biết.
Việc xác định niên đại của những phát hiện này được thực hiện bởi các chuyên gia tại Đại học Aberystwyth (Anh). Để ước tính tuổi của các cổ vật, họ đã sử dụng kỹ thuật phát quang để phát hiện lần cuối các khoáng chất trong cát xung quanh chúng được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. “Việc xác định niên đại của những phát hiện luôn là một thử thách. Công nghệ phát quang cho phép chúng ta khám phá một quá khứ rất xa xôi, và giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về quá trình tiến hóa của loài người”, giáo sư Geoff Duller từ Đại học Aberystwyth cho biết.
Theo ndependent.co.uk, ngày 21/09/2023