Phát hiện cổng địa ngục ở Ý, chim bay ngang là rơi xuống chết

Anh Thư |

Cổng địa ngục huyền thoại của thành phố cổ Hierapolis thực sự gây chết chóc như trong cổ văn và truyền thuyết, vẫn giữ nguyên độ nguy hiểm sau 2.200 năm.

Theo Science Alert, cổ văn La Mã ghi chép lại những cuộc hiến tế động vật mang màu sắc bí ẩn: khán giả ngồi trên khán đài cao tại đấu trường, quan sát những con bò tót đực được dắt đến gần "cổng địa ngục" bên dưới. Khi các con bò tiến gần cổng, một làn khói kỳ lạ tỏa ra khiến con vật gục chết.

Phát hiện cổng địa ngục ở Ý, chim bay ngang là rơi xuống chết - Ảnh 1.

"Cổng địa ngục" của La Mã trong bức ảnh đồ họa phục dựng một phần cấu trúc thời hoàng kim - Ảnh: Francesco D'Andria/University of Salento

"Không gian đó dày đặc hơi sương mù đến nỗi người ta khó có thể nhìn thấy mặt đất. Bất kỳ con vật nào đi vào trong đều gặp cái chết ngay lập tức. Tôi ném những con chim sẻ vào và chúng ngay lập tức trút hơi thở cuối cùng và ngã xuống", nhà sử học Hy Lạp Strabo (năm 64 trước Công Nguyên đến 24 sau Công Nguyên), từng ghi chép.

Năm 2011, một cuộc khai quật dẫn đầu bởi Đại học Salento (Ý) đã tìm ra hang động được mô tả là "cổng địa ngục" đó, từ di tích thành phố cổ Hierapolis của Đế chế La Mã, nay thuộc địa phận nước Ý. Chính hiện tượng những con chim đang bay gần cửa hang bỗng bị ngạt thở và rơi xuống chết đã báo động cho đội khảo cổ về vị trí hang động. Cuộc nghiên cứu nhiều năm sau đó của Đại học Duisburg-Essen (Đức) đã giải mã bí ẩn của hang động 2.200 năm này.

Phát hiện cổng địa ngục ở Ý, chim bay ngang là rơi xuống chết - Ảnh 2.

Cấu trúc "cổng địa ngục" lộ ra khi khai quật. Những con chim bay đến gần đây đều rơi xuống chết bí ẩn - Ảnh: Francesco D'Andria/University of Salento

Trong bài công bố mới trên tạp chí Archaeological and Anthropological Sciences, nhà núi lửa học Hardy Pfanz của Đại học Duisburg-Essen khẳng định bí ẩn của "cổng địa ngục" chính là hoạt động địa chấn ngầm của khu vực, dẫn đến một khe nứt sâu chạy bên dưới hang động, liên tục phun ra một lượng lớn khí núi lửa carbon dioxide.

Vào ban ngày, khí này bị ánh sáng mặt trời phân tán. Hang động trở nên nguy hiểm nhất vào lúc bình minh, khí núi lửa tích tụ sau một đêm đủ làm mọi sinh vật đứng gần phải chết.

Lúc bình minh, nồng độ carbon dioxide đạt tới 50% ở đáy hồ trong động, lên đến 35% ở độ cao 10 cm nhưng bắt đầu giảm nhanh chóng ở độ cao 40 cm trở lên. Sự tích tụ theo độ cao này cũng lý giải sự kiện ma quái được ghi chép, đó là khi các thầy tế lễ người La Mã dẫn con bò tới gần "cổng địa ngục" này thì con bò chết nhưng người thì không sao: đơn giản là người đứng thẳng thì cao hơn con vật nhiều nên tránh thoát khí độc.

Tuy nhiên bên trong hang động thì thực sự là "địa ngục" với nồng độ carbon dioxide lên đến 86%-91%, vì ánh nắng và gió không đi vào tới. Vì vậy bất cứ sinh vật nào vào hang sẽ chết ngay lập tức.

Thời La Mã, cửa hang này mang tên "Plutonium", vì Pluto chính là tên của thần chết trong thần thoại La Mã.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại