Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Tường Vân |

Ẩn mình dưới những tán cây xanh mát của rừng già, vẻ đẹp của “trái tim” Tây Bắc này đã khiến không ít du khách ấn tượng.

Nhắc tới Lai Châu là nhắc tới những đỉnh núi hiểm trở trứ danh mỗi mùa leo núi, hay những bản làng du lịch cộng đồng gây thương nhớ trong lòng khách thập phương. Ngoài ra, ở Lai Châu còn có rất nhiều điểm đến thiên nhiên rất đáng ghé thăm, đặc biệt phù hợp chọn làm địa điểm tránh nóng ngày hè. Một trong số đó chính là con thác được mệnh danh là “Trái tim của Lai Châu”, thác toạ lạc tại bản Sin Suối Hồ, cách trung tâm thành phố khoảng 30km.

Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á- Ảnh 1.

Con thác có cái tên đặc biệt, được gọi là "Trái tim của Lai Châu" (Ảnh NguonViet)

Câu chuyện đằng sau cái tên “Trái Tim”

Được mệnh danh là “Trái tim của Lai Châu” là bởi con thác này thật sự có tên là “Trái Tim”. Theo lời kể truyền miệng của nhiều người dân bản địa, cái tên này xuất phát từ câu chuyện về tình yêu đẹp từ xa xưa của một đôi trai gái người Mông. Câu chuyện này cũng được Cục Du lịch quốc gia dẫn lại trên trang chủ để giới thiệu về thác Trái Tim.

Chuyện kể rằng, dưới chân thác có một chàng trai người Mông khôi ngô, giỏi săn bắt. Chàng đem lòng yêu một cô gái cùng bản, cũng rất xinh đẹp, giỏi thêu thùa. Chuyện tình của họ đẹp như hoa bản mùa xuân, được người trong bản ủng hộ. Tuy vậy, khi cả hai đang shạnh phúc thì chàng trai phải lên đường đi chiến trận.

Suốt một thời gian dài, cô gái vẫn chung thuỷ chờ đợi chàng trai. Nhưng bỗng một ngày kia, cô đột ngột nghe tin chàng đã tử trận. Quá đau buồn, nàng tìm đến nơi hai người hẹn ước năm xưa, khóc thương cho người yêu rồi hoá thân thành thác nước.

Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á- Ảnh 2.

Thác Trái Tim khi nhìn từ xa (Ảnh Báo SGTT)

Thời gian trôi đi, một ngày nọ, chàng trai trở về sau khi thắng trận thì nghe tin người mình yêu đã không còn. Chàng cũng tuyệt vọng, lên đỉnh ngọn thác mà kêu gào, xin đất trời hoá thân cho mình thành thác nước để mãi bên nàng.

Đất trời cảm động, biến chàng thành tảng đá hình trái tim ở giữa thác nước. Đôi nam nữ từ đây được bên nhau mãi mãi, toại nguyện cho mong ước hai người. Con thác từ đó trở thành biểu tượng cho tình yêu đẹp đẽ, và cũng được đặt tên là thác Trái Tim.

Có gì tại thác Trái Tim?

Để tới được thác Trái Tim, du khách cần đi xuyên qua quãng đường rừng rập rạp, khoảng 4km. Hiện nay, con đường dẫn vào thác tuy đã có lối mòn để thuận tiện hơn song vẫn được đánh giá là khó đi, du khách cần đặc biệt cẩn thận, lựa chọn loại giày/dép phù hợp để tránh trơn trượt. Ngoài ra, tốt nhất cần có sự dẫn dắt của người dân bản địa để tránh bị lạc đường.

Mỗi mùa, con đường dẫn vào thác lại mang một vẻ rất riêng: Mùa xuân kiêu hãnh với hoa lan, mùa hạ bồng bềnh hoa sim tím , mùa thu ngọt ngào thảo quả và mùa đông mây phủ bốn bề. Dù thời điểm nào trong năm, khung cảnh nơi đây cũng được nhiều du khách yêu thích bởi vẻ đẹp mang đậm nét thiên nhiên, núi rừng.

Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á- Ảnh 3.

Đường dẫn vào thác Trái Tim được đánh giá là khá khó đi bởi địa hình rừng rậm, trơn trượt (Ảnh Traveloka)

Xuyên qua quãng đường rừng, du khách sẽ tới được thác Tình Yêu trong truyền thuyết. Thứ đầu tiên du khách nhìn thấy chính là tảng đá lớn có hình trái tim chia đôi dòng nước, tạo thành cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, thơ mộng. Ngọn thác từ trên cao đổ xuống vách đá, tung bọt trắng xoá giữa màu xanh bát ngát của núi rừng.

Tại đây, hoạt động được yêu thích nhất chính là đắm mình trong làn nước xanh trong và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt vào những ngày hè nắng nóng, oi bức, thác Tình Yêu trở thành địa điểm giải nhiệt lý tưởng không chỉ của du khách mà còn của người dân bản địa, lân cận trong khu vực.

Thời điểm lý tưởng nhất để tới thác Tình Yêu là từ sáng cho đến khi mặt trời bắt đầu lặn. Trong chuyến đi, du khách hoàn toàn có thể tự chuẩn bị đồ ăn, nước uống để nghỉ dưỡng kết hợp cắm trại, picnic. Tuy nhiên, hãy dọn dẹp sạch sẽ rác thải khi rời đi để giữ gìn cảnh quan chung. Những thứ khác cần có trong hành trang của du khách cũng có thể kể tới như kem chống nắng, thuốc chống côn trùng bởi địa hình thác nằm sâu trong rừng.

Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á- Ảnh 4.

Du khách có thể tự do vui chơi, khám phá tại thác Trái Tim (Ảnh ST)

Kết hợp điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á

Bên cạnh tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại tác Trái Tim, để chuyến đi thêm trọn vẹn, nhiều du khách lựa chọn kết hợp ghé thăm những bản làng gần đó. Tiêu biểu có thể kể tới là bản Sin Suối Hồ. Đây là bản làng du lịch sinh thái của người H’Mông nằm cheo leo ngay dưới chân núi Sơn Bạc Mây cao 1.400m so với mực nước biển.

Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng nhờ cách làm du lịch văn minh, mới mẻ. Ngày 5-2-2023, tại diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế ở thành phố Yogyakarta (Indonesia), điểm bản Sin Suối Hồ được vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN năm 2022.

Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á- Ảnh 5.

Bản Sin Suối Hồ là nơi có khung cảnh thiên nhiên đẹp, văn hoá bản địa đặc sắc (Ảnh VOV)

Người dân ở đây sống hiền hoà, chủ yếu canh tác nông nghiệp, không uống rượu, hút thuốc. Hiện nay, cả bản có hơn 10 hộ gia đình làm dịch vụ homestay, đủ cho 100 khách lưu trú. Các homestay ở đây được trang trí rất gọn gàng, đẹp mắt, đậm đà bản sắc người dân tộc H’Mông.

Đó đều là những ngôi nhà gỗ được xây tựa vào núi, phía trước là thung lũng, bên trong có những chi tiết mang đậm nét văn hoá bản địa. Mùa xuân, hoa đào nở rợp cả góc sân khiến cảnh vật càng thêm thơ mộng, hữu tình.

Phát hiện con thác được ví là “trái tim của Lai Châu”, gần điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Đông Nam Á- Ảnh 6.

Ảnh Du lịch Pro

Du khách cũng có thể khám phá văn hoá, đời sống của người H’Mông bằng việc trải nghiệm các phiên chợ truyền thống vào sáng thứ 7 hàng tuần. Khu chợ thường có các sản vật, đặc sản địa phương như mật ong rừng, xôi nếp nương, gà rừng hay các loại trang phục, trang sức của người dân tộc Mông, thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, mua sắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại