Được biết, nhóm nghiên cứu đến từ đại học King's College London, phối hợp cùng đại học Suffolk, đã lấy mẫu kiểm tra tại 15 địa điểm thuộc hạt Suffolk. Theo đó, ngoài thuốc trừ sâu và những chất cấm khác như ketamine, tất cả các mẫu tôm được mang đi xét nghiệm đều chứa cocaine.
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, kết quả kiểm tra này khá “bất ngờ”. Giáo sư Nic Bury thuộc đại học Suffolk nói: “Việc cocaine xuất hiện trong cơ thể động vật thuỷ sinh có phải là một vấn đề đối với Suffolk, và rộng hơn nữa là đối với nước Anh cũng như quốc tế hay không, cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”.
Tôm sông tại Anh có chứa thuốc trừ sâu, chất cấm và cả... cocaine.
“Tình hình môi trường đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng, chủ yếu do những thách thức phát sinh từ ô nhiễm hạt vi nhựa và biến đổi khí hậu. Dù vậy, tác động của ô nhiễm do hoá chất (ví dụ như ma tuý) đến sinh vật hoang dã cần được quan tâm hơn tại Anh”, giáo sư Bury nói.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environment International đã quan sát mức độ phơi nhiễm của sinh vật hoang dã, trong đó có tôm nước ngọt, với các chất ô nhiễm vi mô khác nhau. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu thử dọc theo 5 con sông chảy xung quanh hạt Suffolk là Alde, Box, Deben, Gipping và Waveney.
Bên cạnh ma tuý, các loại thuốc trừ sâu bị cấm và tân dược cũng được tìm thấy rất nhiều bên trong các mẫu tôm thu thập.Tuy nhiên, xác suất các chất này gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến sinh vật “là khá thấp”, nhóm nghiên cứu cho biết.
“Sự xuất hiện thường xuyên của ma tuý trong cơ thể động vật hoang dã là khá bất ngờ. Hiện tượng này có thể được tìm thấy ở các khu đô thị lớn như London, chứ không phải tại những lưu vực sông nhỏ và hẻo lánh hơn như thế này”, tiến sĩ Leon Barron - một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu đến từ King's College London - chia sẻ.