Theo Science Alert, các nhà khoa học đã sử dụng quy trình giải trình tự RNA để phát hiện ra rằng các tế bào trong một phần của nang lông là vỏ ngoài chân lông (ORS) có tỉ lệ thụ thể nhạy cảm với xúc giác cao hơn so với dạng tế bào tương đương trên da.
Đây là một phát hiện bước ngoặt bởi từ lâu người ta cho rằng chỉ có các đầu dây thần kinh trên da và xung quanh nang lông, tóc mới có thể truyền cảm giác.
Hình ảnh cho thấy mà các tế bào ở vỏ ngoài chân lông, tóc được kích thích khi có tác động trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Science Advances
Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy tế bào nang lông của con người cùng các dây thần kinh cảm giác trong phòng thí nghiệm.
Khi các tế bào nang lông được nuôi cấy này được kích thích cơ học, các dây thần kinh cảm giác bên cạnh chúng cũng được kích hoạt, cho thấy sự tiếp xúc đó đã ghi nhận.
Hơn nữa, các thí nghiệm còn tiết lộ các chất dẫn truyền thần kinh như serotionin và histamine đang được các tế bào ORS giải phóng thông qua các túi nhỏ, như một cách truyền tín hiệu đến các tế bào xung quanh.
Các tế bào thần kinh cảm ứng tinh vi này tương tác đặc biệt với các cơ quan thụ cảm cơ học ngưỡng thấp, có khả năng cảm nhận những cú chạm nhẹ nhàng.
"Đây là một phát hiện đáng ngạc nhiên vì chúng tôi vẫn chưa biết vì sao các tế bào nang lông lại có vai trò này trong xử lý các sự tiếp xúc nhẹ" - kỹ sư sinh học Claire Higgins từ ICL cho biết.
Họ đang tiếp tục tìm hiểu về cách mà các nang lông kích hoạt các dây thần kinh cảm giác cụ thể cho một cơ chế độc đáo, chưa rõ ràng hay không, bởi những gì chúng thể hiện cho thấy chức năng của chúng có phần khác biệt so với cơ quan xúc giác thông thường là da.
Việc cơ quan xúc giác đặc biệt giải phóng histamine, một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến phản ứng miễn dịch cục bộ, cũng có thể liên quan đến cơ chế một số bệnh viêm da, bào gồm bệnh chàm gây khổ sở lâu dài cho nhiều người.
Do đó các nhà khoa học sẽ chú trọng tìm hiểu vai trò của quá trình này với hy vọng đưa đến các phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh da liễu mới.