Các nhà khoa học chỉ ra sinh vật ở các lớp trầm tích dưới đáy biển đa dạng gấp ít nhất là 3 lần so với các tầng biển phía trên Ảnh: UNSPLASH
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hồi đầu tháng 2, trong lúc nghiên cứu các chuỗi ADN của hơn 400 mẫu vật trầm tích trên khắp thế giới - được thu thập từ năm 2010 đến 2016, các nhà khoa học hết sức kinh ngạc khi phát hiện gần 2/3 trong số đó chưa từng được biết tới.
"Mức độ đa dạng sinh học của các trầm tích dưới đáy biển có ảnh hưởng tới chức năng, cấu trúc và sự tiến hóa của hệ sinh thái" - ông Craig Smith, nhà khoa học biển sâu của Trường ĐH Hawaii (Mỹ) và là đồng tác giả nghiên cứu trên, nhận định.
Một khía cạnh đột phá khác của nghiên cứu là phát hiện được rất nhiều loại phiêu sinh vật rơi xuống đáy biển và CO2 lưu giữ trong trầm tích - theo ông Tristan Cordier, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao của viện NORCE (Na Uy).
Cơ chế có biệt danh là "máy bơm carbon sinh học" giúp điều tiết khí hậu toàn cầu bằng cách chuyển carbon trong khí quyển xuống đáy biển, nơi chúng có thể bị chôn vùi đến hàng triệu năm. Các nhà khoa học ước tính đại dương hấp thụ khoảng 48% lượng CO2 thải ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.
Hãng tin Bloomberg cho biết phát hiện trên được công bố đúng lúc thế giới đang tăng tốc chuẩn bị khai khoáng dưới đáy biển nhằm tìm kiếm các loại khoáng chất giá trị dùng chế tạo pin ôtô điện.
Cơ quan Đáy biển quốc tế - tổ chức giám sát việc khai khoáng đáy biển của Liên Hiệp Quốc - đang soạn thảo quy định để hoạt động này có thể bắt đầu trong vòng 3 năm tới. Khu vực đầu tiên được khai thác nhiều khả năng là vùng Clarion-Clipperton (CCZ) - vùng biển rộng lớn trên Thái Bình Dương trải dài từ Hawaii đến Mexico.
CCZ chứa hàng tỉ khối polymetallic nodules, tức các khối đá có kích cỡ củ khoai tây rất giàu cobalt, nikel và các loại kim loại thô dùng chế tạo pin khác.
Nhà nghiên cứu Andrew Gooday tại Trung tâm Hải dương học quốc gia (Anh), đồng tác giả nghiên cứu trên, tiết lộ rất nhiều mẫu vật trầm tích họ thu thập được là ở phía Đông CCZ. Việc khai khoáng đáy biển quy mô lớn có thể đẩy nhiều loài ở đây đến chỗ tuyệt chủng.