Chiếc răng được phát hiện ở làng Orozmani và gần thị trấn Dmanisi, nơi những hộp sọ người có niên đại 1,8 triệu năm tuổi được tìm thấy vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Đây là phát hiện lâu đời nhất trên toàn thế giới, bên ngoài châu Phi và đã thay đổi toàn bộ hiểu biết của các nhà khoa học về sự tiến hóa ban đầu của con người và các mô hình di cư. Theo các chuyên gia, phát hiện mới nhất tại làng Orozmani ngay gần đó đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy khu vực miền núi này có lẽ là một trong những nơi đầu tiên con người ở lại sau khi di cư ra khỏi châu Phi.
“Orozmani cùng với Dmanisi, đại diện cho nơi phân bố người cổ đại lâu đời nhất trên thế giới bên ngoài châu Phi”, Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Khảo cổ và Tiền sử của Grudia cho biết.
Ông Giorgi Bidzinashvili, trưởng nhóm khai quật cho biết, ông nghĩ chiếc răng thuộc về một người “anh em họ” của Zezva và Mzia - tên được đặt cho những người có hộp sọ hóa thạch gần 1,8 triệu tuổi được tìm thấy tại Dmanisi, trong tình trạng gần như hoàn chỉnh.
Chiếc răng 1,8 triệu năm tuổi được tìm thấy gần làng Orozmani, Grudia.
“Những tác động không chỉ đối với địa điểm này mà còn đối với Grudia và câu chuyện con người rời châu Phi cách đây 1,8 triệu năm là rất lớn. Nó củng cố Grudia là một nơi thực sự quan trọng đối với cổ sinh vật học và lịch sử nhân loại nói chung”, anh Jack Peart, một sinh viên khảo cổ học người Anh, người tìm thấy chiếc răng ở Orozmani cho biết.
Hóa thạch con người lâu đời nhất trên thế giới có niên đại khoảng 2,8 triệu năm trước - một phần hàm được phát hiện ở Ethiopia ngày nay. Các nhà khoa học tin rằng con người sơ khai, một loài có khả năng săn bắn, hái lượm có tên là Homo erectus, có lẽ đã bắt đầu di cư ra khỏi châu Phi khoảng 2 triệu năm trước.
Cho dù các công cụ cổ đại có niên đại khoảng 2,1 triệu năm đã được phát hiện ở Trung Quốc, nhưng Grudia là nơi lưu giữ những di tích lâu đời nhất của con người thời kỳ đầu tiên.