Chất độc đáng sợ trên trang phục của hai thiếu nữ Inca bị hiến tế ở Chile chính là chu sa đỏ.
Theo đó, cách đây khoảng 500-600 năm trước, hai thiếu nữ Inca bị hiến tế khoảng 9-18 tuổi được chôn cất theo tục lệ và nghi thức cao quý nhất ở phía Bắc Chile. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia phát hiện ngôi mộ của cả hai đều chứa đầy của cải quý giá, nhưng quần áo trên người của họ lại được nhuộm màu đỏ sẫm của bột chu sa độc hại.
Đây cũng là lần đầu tiên chu sa (HgS), loại khoáng vật cinnabarit của thủy ngân trong tự nhiên có màu đỏ rực rỡ này được tìm thấy ở bên trong một ngôi mộ cổ xưa ở Chile.
Kể từ lần đầu được phát hiện vào năm 1976 ở Cerro Esmeralda, hai xác ướp thiếu nữ hiến tế và cách chôn cất có phần khác thường trong ngôi mộ của họ đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu trong những năm qua.
Không những được chôn cất cùng nhiều đồ vật quý giá, hai thiếu nữ Inca còn được tẩm bột chu sa đỏ, một loại chất kịch độc vì chỉ cần hít phải cũng có thể bị ngộ độc.
Cụ thể, nghiên cứu trước đây đã xác định rằng hai thiếu nữ trẻ tuổi sống vào khoảng giai đoạn từ năm 1399-1475, và được cho là nạn nhân của capacocha, một nghi thức hiến tế đặc biệt của người Inca.
Đáng chú ý là nghi thức này bắt nguồn ở Cusco (thủ đô của đế quốc Inca), cách vị trí tìm thấy 2 xác ướp khoảng 1.200km. Copacocha thường tiến hành với đối tượng hiến tế là trẻ em và được tổ chức trong lễ kỷ niệm về những sự kiện quan trọng của hoàng đế Inca, nhằm ngăn chặn các thảm họa tự nhiên hoặc phục vụ cho nghi thức tế thần.
Phát hiện thấy sự phong phú và chất lượng của các đồ bồi táng trong ngôi mộ hai thiếu nữ, các nhà nghiên cứu tin rằng hiến tế có ý nghĩa quan trọng đối với người Inca.
Chu sa có màu đỏ rực rỡ và rất độc hại. Ảnh: Internet
Jorrge Checura, nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả ngôi mộ, cho biết, hai thiếu nữ được chọn để hiến tế di chuyển từ Cusco tới nơi chôn cất và trên thực tế thì chuyến đi này kéo dài tới vài tháng.
Việc tồn tại chu sa trong ngôi mộ là một điều kỳ lạ. Chuyên gia Checura cũng từng ghi chú rằng có một chất bột màu đỏ tươi trên quần áo của hai cô gái và nhận định đây chính là chu sa. Tuy nhiên, ở khu vực miền bắc Chile, người dân thường sử dụng những quặng sắt đỏ hơn vì màu sắc rực rỡ và độ đục của nó.
Nghiên cứu bất ngờ này được các chuyên gia tại ĐH Tarapacá ở Chile thực hiện, và coi là phân tích hóa học và hiển vi đầu tiên về dấu tích của chu sa trong mộ cổ.
Trong báo cáo mới nhất, nhóm các nhà nghiên cứu cho biết: "Kết quả từ các phân tích hóa học của chúng tôi thu được chỉ ra rằng chu sa có trong quần áo của xác ướp Cerro Esmeralda. Vật liệu độc hại này là đồ mai táng đặc biệt và khá khác lạ ở miền bắc Chile".
Chu sa có thể là "vũ khí" chống trộm trong ngôi mộ thiếu nữ Inca?
Hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa rõ về lý do mà người Inca lại bôi chu sa lên quần áo của hai thiếu nữ hiến tế. Trong xã hội của Rome và Ethiopia cổ đại, chu sa được dùng để bôi lên mặt và cơ thể. Tuy nhiên, da của hai xác ướp lại không dính màu.
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu giả thuyết rằng nếu như người Inca biết được về độc tính đáng sợ của hợp chất này, họ có thể sử dụng chúng để bôi lên quần áo nhằm ngăn chặn những kẻ trộm mộ liều lĩnh, bởi vì chủ cần hít phải bụi chu sa thì cũng có thể gây ra ngộ độc thủy ngân.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nhóm nghiên cứu nên thận trọng vì chu sa đỏ có chứa đầy thủy ngân, rất độc hại. Bên cạnh việc gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe với hệ thần kinh, cơ bắp và đường tiêu hóa, một số người thậm chí còn tử vong vì phơi nhiễm quá nhiều với chất cực độc này.
Những bằng chứng, hiện vật trong quá khứ không phải lúc nào cũng rõ ràng và chúng có thể ẩn chứa những vật liệu, chất độc hại ẩn nấp ở dưới đất.
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ cố gắng tìm ra bí ẩn đằng sau vết tích chu sa trong cổ mộ của hai thiếu nữ Inca.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archaeometry.
Tham khảo ảnh/nguồn: Sciencealert, Forbes