Theo Sci-News, đó là một hệ thống đá granite, thứ chưa từng được tìm thấy ở bất kỳ thiên thể nào khác trong hệ Mặt Trời, ngoại trừ Trái Đất.
Cấu trúc được phát hiện tại khu vực được đặt tên là Khu liên hợp núi lửa Compron-Belkovich, có khả năng được hình thành từ quá trình nguội đi của dung nham nóng chảy, cung cấp năng lượng cho một hoặc nhiều núi lửa phun trào cách đây 3,5 tỉ năm.
Đặc điểm dị thường vừa được phát hiện trên Mặt Trăng thông qua dữ liệu viễn thám - Ảnh: NATURE
Trước đây, sứ mệnh Apollo của NASA từng tìm thấy một ít hạt đá granite, được cho là có nguồn gốc Trái Đất. Bởi giả thuyết vững chắc nhất về nguồn gốc Mặt Trăng chính là sự kiện một hành tinh cỡ sao Hỏa đâm vào Trái Đất sơ khai, một số mảnh vỡ của cả hai tạo thành vệ tinh này.
Thế nhưng phát hiện mới cho thấy Mặt Trăng phải có granite của riêng nó.
"Thông thường đá granite yêu cầu quá trình kiến tạo mảng hoặc magma chứa nước để hình thành. Mặc dù phần bên trong Mặt Trăng chứa một lượng nước nhỏ, nhưng nó chưa bao giờ trải qua kiến tạo mảng. Do đó, việc phát hiện ra phức hợp granite này chỉ ra một số quá trình chưa được hiểu rõ chịu trách nhiệm cho sự hình thành nó" - GS Timothy Gloch từ Trường ĐH Stony Brook (Mỹ) nói.
Trong khi đó, cộng sự của ông là TS Matthew Siegler từ Viện Khoa học hành tinh cho biết bất kỳ khối đá granite lớn nào trên Trái Đất đều từng là một nguồn cung cấp năng lượng cho một loạt núi lửa lớn.
Phạm vi địa lý của cấu trúc này cho thấy có rất nhiều cái tương tự có thể hình thành trên Mặt Trăng, cho thấy hoạt động địa chất của thiên thể này bí ẩn hơn chúng ta tưởng và có nhiều chu trình giống với Trái Đất một cách bất ngờ.
Phát hiện vừa được công bố trên tạp chí Nature, hứa hẹn cung cấp bước tiến quan trọng để tìm hiểu sự thật về vệ tinh đầy bí ẩn của Trái Đất, nơi mà một số nghiên cứu trước đây thậm chí nghi ngờ rằng từng có sự sống. Hoạt động địa chất chính là một trong những yếu tố góp phần làm nên một thiên thể có thể ở được.