Đường màu đen cho thấy các hố (các chấm đỏ) tạo thành một đường tròn bao quanh khu vực Durrington Walls Henge ở giữa.
Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện ra một cấu trúc 4.500 năm tuổi, một đường tròn tạo nên bởi một loạt các hố sâu nhân tạo, bao quanh khu vực Durrington Walls Henge, chỉ cách di tích Stonehenge nổi tiếng khoảng 3km.
Dựa trên kích cỡ của nó, các nhà nghiên cứu khẳng định đây là cấu trúc tiền sử lớn nhất từng được tìm thấy tại Anh.
Nằm tại vùng đồng bằng Salisbury, cấu trúc hình tròn này gồm ít nhất 20 hố sâu được đặt một cách có chủ đích. Những hố này bị vùi dưới lớp đất, sâu tới hơn 5 mét và các miệng hố có kích cỡ từ 10 tới 20 mét. Nối với nhau, chúng tạo thành một đường tròn có đường kính gần 2km; các hố sâu nằm cách tâm điểm trung bình khoảng 864 mét.
Ở trung tâm đường tròn này là Durrington Walls Henge, một trong những di tích gồm các khối đá được đặt có chủ đích lớn nhất nước Anh. Toàn bộ cấu trúc kỳ lạ này trải rộng trên diện tích 3km2.
Trước đây, các nhà nghiên cứu nhầm tưởng các hố sâu này là nơi trữ nước ngọt cho gia súc hoặc các hố sụt do hoạt động địa chất, vậy nên không ai để tâm tới chúng. Cho tới khi sử dụng công cụ cảm biến như radar xuyên lòng đất và từ kế, đội khảo cổ mới thấy một loạt các hố sâu hiện ra.
9 hố sâu hiện ra dưới con mắt của radar nhìn xuyên lòng đất.
“Có được khám phá này là nhờ việc khảo sát từ xa trên diện tích rộng. Chúng tôi có thể nhìn thấy những thứ vô hình trong mắt các nhà khảo cổ xưa, các công cụ mới cho phép đội nghiên cứu xâu chuỗi những phát hiện theo cách chưa từng có”, nhà nghiên cứu Vincent Gaffney, đồng tác giả nghiên cứu và nhà khảo cổ học công tác tại Đại học Bradford cho hay.
Không cần tới quốc xẻng hay máy khoan, họ vẫn xác định được chính xác kích cỡ các hố sâu này.
Theo lời anh Gaffney, những người thuộc thời kỳ đồ đá đã sử dụng “cuốc làm từ gạc hươu, xẻng từ xương bả vai, công cụ đá, mồ hôi và nước mắt” để tạo nên những hố sâu kia. Xét tới kích cỡ hố, có thể thấy"công việc phải được lên kế hoạch cụ thể và cần sự phối hợp ăn ý giữa các bên thi công".
Những con người này “phải di chuyển chỗ đất đá khổng lồ, nhưng đây cũng là những người tạo nên được Stonehenge, nên rõ ràng họ có khả năng thực hiện được những công trình cần tới cả cộng đồng như thế này”, anh Gaffney nhận định.
Đường tròn đỏ nằm giữa là Durrington Walls Henge, các chấm vàng cho thấy nơi các hố sâu tọa lạc.
Tuy nhiên, công cụ nhìn xuyên thấu mặt đất chỉ có thể khẳng định sự tồn tại cũng như kích cỡ các hố, không thể luận ra được hình dáng của cả cấu trúc này ra sao. Nhiều khả năng, người thời kỳ đồ đá tạo ra những hố kia vì mục đích tôn giáo, nhằm chỉ lối hoặc trấn an tinh thần người dân sống nơi đây.
Họ còn đưa ra thêm một nhận định thú vị nữa: để thực hiện thành công công trình này, nhóm người này phải biết cách đếm.
“Để tạo ra một đường tròn có đường kính lên tới cả cây số và thực hiện nhiều đo đạc địa hình khác, họ phải biết cách đếm và cộng - lại một yếu tố nữa cho thấy cách thức cộng đồng này cùng nhau làm việc”, anh Gaffey nói.
Tham khảo Gizmodo