Theo Sci-News, đó là một vòng cung thiên hà dài khoảng 3,3 tỉ năm ánh sáng, chiều rộng lên đến 330 triệu năm ánh sáng. Được đặt tên là "Vòng cung khổng lồ", nó nằm cách chúng ta 9,2 tỉ năm ánh sáng, thuộc chòm sao Mục Phu.
Cấu trúc này lớn gấp đôi "Vạn lý trường thành Sloan" gồm nhiều thiên hà và cụm thiên hà từng được xác định trước đây.
Ảnh đồ họa mô tả Vòng cung khổng lồ - Ảnh: SCIENCE NEWS
Nếu xếp các thiên hà khổng lồ thuộc dạng "quái vật" như Milky Way chứa Trái Đất - được cho là có đường kính khoảng 100.000 năm ánh sáng", phải 33.000 thiên hà nối nhau mới trải hết chiều dài của vòng cung. Tất nhiên lượng thiên hà và cụm thiên hà trong vòng cung này hơn gấp nhiều lần, bởi bề rộng của nó khá ấn tượng và đa số thiên hà trong vũ trụ đều có kích thước nhỏ hơn "quái vật" chứa Trái Đất.
Tiến sĩ Alexia Lope từ Đại học Central Lancashire (Anh), khám phá này làm tăng thêm một loạt các "thách thức thận trọng" đối với nguyên lý vũ trụ. Giới hạn lý thuyết mà một cấu trúc có thể đạt được trong vũ trụ là khoảng 1,2 tỉ năm ánh sáng. Rõ ràng vật thể này lớn hơn giới hạ đó gần 3 lần.
Tờ Live Science cho biết các nhà khoa học đang dùng kính thiên văn để phân tích quang phổ các vật thể sáng nhất trong cấu trúc này - những thiên hà siêu sáng - về cách thức ánh sáng từ chúng đã đi đến Trái Đất. Điều này cũng giúp "nhìn" gián tiếp vào những vật thể có độ sáng mờ hơn xung quanh, từ đó lập bản đồ chi tiết hơn về "Vòng cung khổng lồ".
Các tác giả cũng lưu ý do cách Trái Đất tới 9,2 tỉ năm ánh sáng nên hình ảnh về Vòng cung khổng lồ này thật ra là một "bóng ma" của 9,2 tỉ năm về trước. Có thể trong thực tại nó không còn được như những gì chúng ta đang nhìn thấy.
Nghiên cứu vừa công bố trong hội nghị trực tuyến lần thứ 238 của Hiệp hội Thiên văn Mỹ (AAS).