Thụy Sĩ, đất nước triển khai quản lý tài sản xuyên quốc gia từ những năm 1920s, đã từng là một thiên đường thuế ở đẳng cấp riêng. Tuy nhiên, từ những năm 1980s, những kẻ tránh thuế đã có nhiều lựa chọn hơn: họ có thể giấu tài sản bất cứ đâu từ Bahamas đến Hong Kong. Lượng tài sản của thế giới cất giữ ở nước ngoài tăng lên đột ngột. Tuy nhiên, khó mà nói được con số đó là bao nhiêu và những ai đang nắm giữ chúng.
Vào năm 2016, nhiều người cho phép Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS, tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương) công khai các số liệu thống kê ngân hàng. Sử dụng dữ liệu này, một nghiên cứu mới của 3 nhà kinh tế học là Annette Alstadsaeter, Niels Johannesen và Gabriel Zucman kết luận rằng các thiên đường thuế tích trữ của cải tương đương với khoảng 10% tổng GDP toàn cầu. Con số trung bình này chưa thể hiện được những chênh lệch lớn.
Một kết luận của nghiên cứu là các nước có thuế suất cao như Đan Mạch hay Thụy Điển không khiến người dân chuyển thu nhập ra nước ngoài. Thay vào đó, việc chuyển tài sản ra nước ngoài nhiều có mối tương quan với các nhân tố như bất ổn kinh tế - chính trị và sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, khoảng cách từ một nước đến Thụy Sĩ cũng là một chỉ báo tốt, các nước gần Thụy Sĩ sẽ chuyển tài sản sang nước này nhiều hơn. Tuy vậy, lượng tài sản nằm ở Thụy Sĩ giảm sút kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi của cải ở Hong Kong tăng gấp 6 lần từ năm 2007 đến năm 2015. Vùng lãnh thổ này hiện xếp hạng thứ hai sau Thụy Sĩ.
Ông Zucman cho rằng kết quả này là do áp lực từ nước ngoài lên Thụy Sĩ sau một số scandal gần đây cùng với sự giàu có tăng lên ở châu Á.
Cần có những hình phạt đủ lớn cho việc trốn thuế.
Việc tính toán của cải ở nước ngoài cho thấy bất bình đẳng về thu nhập ngày càng nhiều hơn chúng ta nghĩ. Ở Anh, Pháp, và Tây Ban Nha, 0,01% các hộ gia đình giàu nhất cất giấu 30-40% tài sản của họ ở các thiên đường thuế. Ở Nga, hầu hết của cải đều ra nước ngoài. Ở Mỹ, phần của cải nắm giữ bởi 0,01% những người giàu nhất ngày nay cao như ở châu Âu đầu thế kỷ 20.
Vẫn còn nhiều dữ liệu đang bị khuyết. Một vài trung tâm lớn bao gồm Panama và Singapore vẫn không hé lộ những số liệu thống kê này. Số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế cũng chỉ bao quát được tiền gửi ngân hàng, không bao gồm chứng khoán, mà phần lớn tài sản chuyển ra nước ngoài thuộc dạng này.
Các nhà nghiên cứu tính toán, ước lượng để lấp đầy phần dữ liệu bị thiếu. Tuy nhiên, số liệu của họ còn khá dè dặt.
Ông Zucman cho rằng thiên đường thuế nên minh bạch hơn, các tổ chức thực hiện việc trốn thuế nên đối mặt với những hình phạt cứng rắn hơn. Phạt tiền thường được xem như chi phí kinh doanh và tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận thu được. Việc đe dọa thu hồi giấy phép ngân hàng sẽ là sự răn đe mạnh mẽ hơn.
"Dịch vụ trốn thuế có nhu cầu lớn trên khắp thế giới” ông nói. "Nếu không có những sự trừng phạt đủ lớn thì sẽ luôn có nguồn cung để đáp ứng nhu cầu đó".