Nhóm tác giả dẫn đầu bởi GS Jeffrey Horowitz từ Trường Khoa học vận động học - Đại học Michigan (Mỹ) đã theo dõi 2 nhóm tình nguyện viên béo phì trong 11 năm và chỉ ra nỗ lực giảm béo bất thành của một số người thực ra vẫn có lợi ích rất lớn. "Chìa khóa" nằm ở mỡ bụng.
Các kết quả được công bố trên tạp chí khoa học Nature Metabolism cho thấy mỡ bụng của chúng ta có thể rất khác nhau.
Cùng béo phì như nhau hoặc bị tích mỡ bụng do tuổi tác nhưng có người sẽ vì thế mà đối diện một loạt nguy cơ sức khỏe nguy hiểm, có người thì không.
Đó không phải là câu chuyện may rủi, mà là do thói quen tập thể dục.
"Không chỉ giúp tiêu hao calo, việc tập thể dục thường xuyên nhiều tháng đến nhiều năm dường như còn giúp thay đổi mô mỡ theo cách cho phép bạn dự trữ mỡ cơ thể một cách lành mạnh hơn khi tăng cân hay già đi" - tờ SciTech Daily dẫn lời các tác giả.
Mẫu mô mỡ bụng dưới da của 2 nhóm tình nguyện viên có tập thể dục và không tập thể dục được đem ra phân tích, được phát hiện có nhiều đặc điểm cấu trúc và sinh học rất khác nhau.
Cụ thể, những người tập thể dục có nhiều mạch máu, ti thể và protein có lợi nhiều hơn, ít loại collagen có thể can thiệp vào quá trình trao đổi chất hơn, ít tế bào gây viêm hơn.
Điều này quan trọng vì nơi lành mạnh nhất để lưu trữ chất béo là mô mỡ ngay dưới da, tức phần mỡ bụng gây phiền toái cho nhiều người vì ảnh hưởng đến vẻ ngoài.
Tuy vậy, nếu người nào không thể giảm cân thành công, việc giúp ưu tiên lưu trữ chất béo ở khu vực này hiệu quả hơn có thể giúp ngăn lưu trữ chất béo ở những nơi "hiểm hóc" như nội tạng.
Mỡ nội tạng là loại mỡ tích tụ quanh các cơ quan nội tạng và gây họa. Ví dụ, mỡ tích tụ ở gan sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ, có thể diễn tiến thành xơ gan hay ung thư gan.
Để khiến mỡ bụng trở nên lành mạnh hơn, cách duy nhất là tập thể dục và duy trì thói quen này trong nhiều năm.
Điều này lý giải một điều thường được quan sát thấy: Một số người mũm mĩm nhưng có tập thể dục thậm chí ít gặp phải các căn bệnh liên quan việc chuyển hóa hơn là những người gầy nhưng không tập luyện.