Lần đầu tiên trong vòng 100 năm trở lại đây, những hình ảnh tuyệt đẹp về loài báo đen cực hiếm khi nó đang rình mồi xung quanh khu vực Laikipia, miền trung Kenya của nhiếp ảnh gia người Anh, Will Burrard-Lucas, 35 tuổi khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên và tò mò.
Nguồn video: Sở thú San Diego
Theo nhiếp ảnh gia này, ước mơ từ nhỏ của anh chính là chụp được ảnh một con báo đen. Do đó, sau khi biết được thông tin ở khu vực Laikipia của Kenya là khu vực duy nhất được cho là có báo đen ở khắp châu Phi anh đã quyết định điều tra thêm và thiết lập một cuộc thám hiểm cùng với nhà sinh vật học của Sở thú San Diego tên Nick Pilfold.
Đầu năm 2018, tại đồng cỏ trong khu bảo tồn Loisaba, một khu vực được đồn rằng thường xuyên có báo đen xuất hiện, Burrard-Lucas đã lắp đặt hàng loạt “bẫy camera” bằng các thiết bị chuyên dụng bao gồm cảm biến chuyển động không dây, máy ảnh DSLR chất lượng cao và hai đến ba đèn flash được điều khiển từ xa.
Hỉnh ảnh báo đen hiếm gặp do Burrard-Lucas chụp lại.
Nhiếp ảnh gia 35 tuổi này cho biết anh không thể tin được rằng khi đi kiểm tra một trong những cái bẫy camera của mình, anh đã nhìn thấy trong đó hình ảnh một con báo đen đang nhìn chằm chằm vào ống kính máy ảnh. “Đó là sinh vật tuyệt đẹp, ngoạn mục nhất mà tôi đã chụp ảnh được!”, Burrard-Lucas nói.
Cụ thể, các camera đã ghi lại hình ảnh con báo hoa mai chưa trưởng thành bị nhiễm hắc tố Melanism siêu hiếm gặp. Con báo cái này đi cùng một con báo hoa mai khác lớn hơn có màu lông bình thường, nhiều khả năng là bố hoặc mẹ nó vào ngày 16/2, ngày 28/2, 11/3, 15/3 và ngày 14/4 năm 2018, tại năm địa điểm máy ảnh khác nhau.
“Nói chung, đây là những hình ảnh được xác nhận đầu tiên trong gần 100 năm của báo đen ở châu Phi và khu vực này là nơi duy nhất có báo đen ở châu Phi”, Tiến sĩ sĩ Pilford cho biết.
Được biết, tính đến năm 2017 chỉ có 1 trường hợp báo đen được chụp ảnh ở châu Phi vào năm 1909 ở Ethiopia và hình ảnh này được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Washington DC.
Theo Tiến sĩ Pilford, Melanism là một đặc điểm lặn ở báo đốm, vì vậy cả hai cha mẹ đều phải mang gen để nó được thể hiện.
Trái với chứng bạch tạng, nhiễm hắc tố là kết quả của đột biến gene gây ra tình trạng dư thừa sắc tố ở da hoặc lông động vật, khiến cơ thể chúng có màu đen.
Tuy nhiên, mặc dù chúng xuất hiện màu đen đặc vào ban ngày, nhưng con báo đen vẫn có những họa tiết hoa hồng da báo trên lớp lông vào buổi tối.
Có 9 phân loài báo hoa mai phân bố từ châu Phi đến phía đông nước Nga và khoảng 11% báo hoa mai còn sống hiện nay được cho là nhiễm hắc tố Melanism, nhưng phần lớn tập trung ở Đông Nam Á, nơi những khu rừng nhiệt đới cung cấp nhiều bóng râm.
Chứng nhiễm hắc tố Melanism giúp loài báo cải trang hiệu quả hơn trong môi trường sống, giúp chúng có lợi thế khi đi săn. Vì vậy chúng thường xuất hiện ở vùng đồng cỏ bán khô cằn điển hình như Laikipia, một vùng cây bụi nửa khô cằn và các môi trường nhiều bóng râm trong các khu rừng nhiệt đới, phù hợp để chúng ngụy trang.
Hiện, báo đen châu Phi được liệt kê là động vật dễ bị tổn thương nhất trong danh sách đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh quốc tế (IUCN) bởi khu vực phân bố của báo đen ở châu Phi đã thu hẹp ít nhất 66% do mất môi trường sống và số lượng con mồi sụt giảm.