Sau khi phân tích các hình chạm khắc trên cột trụ niên đại hơn 10.000 năm tìm thấy tại ngôi đền được xem là cổ nhất thế giới Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khoa học nhận định: Cách đây 13.000 năm, một sao chổi đã đâm vào Trái Đất, giết chết hàng nghìn người, biến đổi hoàn toàn khí hậu và khiến văn minh nhân loại trở về con số 0.
Nghiên cứu những bằng chứng trên các cột đá Vulture Stone, các nhà khảo cổ khẳng định, vào năm 11000 Trước Công nguyên, hàng loạt các bụi sao chổi đã đâm vào Trái Đất, gây nên thảm họa kinh hoàng bậc nhất mà loài người phải hứng chịu từ không gian.
Sao chổi đâm vào Trái Đất gây nên thảm họa kinh hoàng cho con người, động vật và khí hậu. Ảnh: Shutterstock.
Hình ảnh chạm khắc một người đàn ông không đầu trên các bia đá Vulture Stone có thể là hình ảnh biểu trưng cho hậu quả khủng khiếp từ thảm họa không gian.
Sao chổi đâm vào Trái Đất đã quét sạch sự sống của nhiều loài động vật khổng lồ, trong đó có loài voi ma mút. Hình ảnh các loài động vật chạm khắc trên tấm đá có thể là bằng chứng cho việc này.
Hình ảnh những loài động vật chạm khắc trên tấm bia đá. Ảnh: NatGeo.
Giới khoa học cho rằng, thảm họa không gian này đã làm các tảng băng khổng lồ ở Bắc Mỹ sụp đổ khiến nước biển lạnh hơn. Hệ quả là, nhiệt độ Trái Đất giảm mạnh, phù hợp với thời kỳ mà các học giả gọi là kỷ băng hà Younger Dryas, kéo dài trong 1.300 năm.
Tiến sĩ Martin Sweatman, trưởng nhóm nghiên cứu, thuộc trường Đại học Edinburgh, cho biết: "Tôi cho rằng, những phát hiện trên Vulture Stone củng cố thêm bằng chứng cho thấy, Trái Đất đã từng xảy ra thời kỳ kỷ băng hà mini Younger Dryas. Thảm họa tồi tệ này đã khiến khí hậu hành tinh chúng ta thay đổi trong hàng nghìn năm."
Những hình chạm khắc có thể ứng với các chòm sao mà chúng ta đã tìm thấy. Nguồn: Dailymail.
Hiện tại, các kỹ sư thuộc trường Đại học Edinburgh (Scotland) đang sử dụng phần mềm máy tính phù hợp để nghiên cứu các hình chạm khắc động vật có tương ứng với các chòm sao mà chúng ta đã biết hay không.
Đền Gobekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NatGeo.
Dịch từ: Telegraph