Phát hiện bạch tuộc sở hữu "năng lực" đặc biệt giống hệt như người

Đăng Nguyễn |

Bạch tuộc không biết nói để cho chúng ta biết rằng chúng có thực sự ngủ mơ như con người hay không, nhưng phát hiện mới của các nhà khoa học đã chứng minh điều này là có cơ sở.

Theo Daily Mail, nghiên cứu mới cho thấy bạch tuộc có hai trạng thái khi ngủ. Một là trạng thái “tĩnh lặng” bình thường và hai là trạng thái “tăng động” khi chúng cử động nhẹ cơ thể và liên tục đổi màu.

Các nhà khoa học Brazil quay lại video cho thấy cảnh bạch tuộc “dường như đang ngủ mơ” và sử dụng các thiết bị đo hoạt động của bộ não.

Nghiên cứu giúp các nhà khoa học hiểu hơn về các bước phát triển của giấc ngủ và tại sao một số sinh vật có nhiều trạng thái ngủ khác nhau, nhưng một số lại không có khả năng này.

“Bạch tuộc có hệ thống thần kinh trung ương cao cấp nhất so với bất kỳ loài động vật không xương sống nào và được biết đến là loài có khả năng học hỏi cao”, nhà khoa học thần kinh Sidarta Ribeiro đến từ Đại học Liên bang Rio Grande do Norte, tác giả nghiên cứu, nói.

Phát hiện bạch tuộc sở hữu năng lực đặc biệt giống hệt như người - Ảnh 1.

Một con bạch tuộc đang ngủ say.

Trong nghiên cứu, giáo sư Ribeiro và các đồng nghiệp của ông đã quay phim những con bạch tuộc Octopus insularis, sống ở ngoài khơi khi chúng đang ngủ.

“Giai đoạn ‘tăng động’ của bạch tuộc khi ngủ thường diễn ra khoảng 6 phút sau giai đoạn ‘tĩnh lặng’ bình thường”, giáo sư Ribeiro nói.

“Sự thay đổi trạng thái khi ngủ của bạch tuộc Octopus insularis có vẻ khá giống với con người”, cộng sự Sylvia Lima de Souza Medeiros nói.

Động vật không xương sống và có xương sống đã tách khỏi nhau trong quá trình tiến hoá cách đây 500 triệu năm. “Nhưng trạng thái ngủ mơ cũng hình thành ở bạch tuộc, giống như người. Liệu đây có phải là sự trùng hợp?”, Medeiros nói.

“Bạch tuộc không biết nói để chúng kể lại với chúng ta về giấc mơ, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy trải nghiệm của chúng trong giấc ngủ rất giống với con người”, Medeiros nói thêm.

“Nhưng giấc mơ đối với bạch tuộc diễn ra rất ngắn, chỉ vài giây đến vài phút, không như con người. Đối với chúng, đó chỉ như là một đoạn video ngắn”, cô nói.

Các nhà nghiên cứu dự định tìm hiểu sâu hơn để phân tích xem bạch tuộc ngủ mơ cụ thể ra sao và có tác động như thế nào đến quá trình trao đổi chất và nhận thức của chúng.

“Chúng tôi rất muốn biết chúng có thể mơ thấy ác mộng hay không? Liệu chúng ta có giải mã được các giấc mơ đó dựa trên biến đổi cơ thể bạch tuộc hay không?”, giáo sư Ribeiro nói.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học iScience.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại