Phát hiện 2 trường hợp tại trung tâm bảo trợ xã hội mắc bạch hầu

Xứ Thanh |

Ngay sau khi nhập viện, hai trường hợp đang được chăm sóc tại trung tâm bảo trợ xã hội được phát hiện mắc bệnh bạch hầu.

Sáng 12/6, bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ, Phó Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, bệnh viện đang theo dõi, điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân bị bệnh bạch hầu.

Trước đó, ngày 6-7/6/2020, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận hai bệnh nhân gồm: Nguyễn Thị Lan A. (SN 2008) và Lang Thị Ánh V. (SN 2005) với các triệu chứng: sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn. Cả hai bệnh nhân này đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ xã hội nhà may mắn huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông).

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm để chẩn doán, đồng thời lập tức đưa vào khu cách ly để theo dõi. Sau đó, kết quả PCR dịch hầu họng cho thấy, cả hai bệnh nhân này đều dương tính với bạch hầu.

Ngay sau khi có kết quả, bệnh viện đã tiến hành điều trị bạch hầu cho hai bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế. Mặt khác, tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân đều được uống thuốc dự phòng, các nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh đều phải mang các trạng phục phòng hộ và uống thuốc dự phòng.

Phát hiện 2 trường hợp tại trung tâm bảo trợ xã hội mắc bạch hầu - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Mỹ thông tin về hai ca mắc bệnh bạch hầu.

Ngoài ra, bệnh viện đã nhanh chóng báo cáo cho Sở Y tế tỉnh, chia sẻ thông tin về 2 ca bệnh cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông để phối hợp khoanh vùng, điều trị dự phòng, tránh lây lan cho cộng đồng.

Sau 1 tuần điều trị, hiện cả hai bệnh nhân không có triệu chứng nặng và đang nằm trong tầm kiểm soát của khoa...

Theo bác sĩ Mỹ, bệnh bạch hầu có những biến chứng muộn có thể xảy ra sau 2-4 tuần như: viêm cơ tim, liệt dây thần kinh ngoại biên nên phải tiếp tục theo dõi sát sao...

Bác sĩ Mỹ thông tin: "Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, có nhiều biến chứng rất nguy kịch. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời thì nguy cơ thành dịch, tử vong rất cao. Dấu hiệu chính của bệnh bạch hầu họng là sốt, đau họng, chán ăn, mệt mỏi. 

Đặc biệt, khi thăm khám họng sẽ dễ dàng phát hiện giả mạc màu trắng, chắc nếu đụng vào hay bóc tách rất dễ chảy máu. Bạch hầu thanh quản có thể thêm khó thở dữ dội, khàn giọng, thở rít... Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên nên đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn thêm để tránh lây lan trong cộng đồng".

Cũng theo bác sĩ Mỹ, bệnh bạch hầu thường xảy ra đối với trẻ dưới 15 tuổi, không được tiêm chủng đầy đủ trong năm đầu tiên hoặc không tiêm nhắc lại sau 5 năm, 10 năm. Do đó, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng bạch hầu đầy đủ và nhắc lại đúng thời gian quy định của chương trình tiêm chủng quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại