Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty
Tờ Le Devoir (Canada) trích tuyên bố của Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ, Tướng Blaise Frawley tại Hội nghị An ninh và Quốc phòng thường niên Ottawa, Canada cho biết: "Khi nhìn vào bản đồ sẽ thấy, Bắc Cực và đặc biệt là khu vực Alaska là con đường nhanh nhất để Nga tiếp cận chúng tôi."
Trong Hội nghị kéo dài 2 ngày này một số chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an ninh Bắc Cực trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng với Moscow. Về mặt quân sự, Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược lớn, trong đó Nga chia sẻ khu vực này với Mỹ, Canada và Bắc Âu.
Các chuyên gia nhấn mạnh, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine gây ra những ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh, quốc phòng ở Bắc Cực. Thời gian vừa qua, Nga đã tăng tốc phát triển ở khu vực này, đặc biệt là để đối phó với tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Thời điểm này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã coi việc khai thác tài nguyên ở Bắc Cực và Tuyến đường biển phía Bắc là "ưu tiên chiến lược".
Tham gia vào hội thảo an ninh khu vực, ông Frawley cho biết, sự phát triển của Nga ở Bắc Cực và khả năng ném bom tầm xa của nước này đang được sử dụng ở Ukraine "khiến ông mất ngủ".
Năng lực to lớn của Nga
Với tư cách thành viên gần đây của Thụy Điển trong NATO, tất cả các quốc gia thuộc Hội đồng Bắc Cực ngoại trừ Nga đều là thành viên của Liên minh này. Ông Frawley lưu ý: "Điều này chắc hẳn ảnh hưởng tới suy nghĩ của Nga về khu vực Bắc Cực."
Tướng Frawley cho biết, Nga có 40 tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, những tàu này được thiết kế để xử lý các tuyến đường biển ở vùng nước đóng băng. Moscow có thể sẽ có thêm 10 tàu phá băng nữa trong thập kỷ tới. Trong khi đó Canada và Mỹ có 5 tàu phá băng.
"Chúng tôi đang xem xét đến việc đóng thêm 5 chiếc nữa, như vậy chúng ta sẽ có 10 tàu. So sánh với con số của Nga thì đây là một mối quan tâm lớn khác của chúng tôi," ông Frawley thừa nhận.
Những căng thẳng địa chính trị thời gian gần đây cùng với vấn đề biến đổi khí hậu tạo ra các tuyến đường thủy mới trong khu vực sẽ được Ottawa xem xét nghiêm túc.
Mùa hè năm ngoái, thủ tướng Canda Justin Trudeau thừa nhận rằng Bắc Cực "ngày càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược" khi băng tan. Ông Trudeau giải thích trong Hội nghị thượng đỉnh Bắc Âu rằng: "Mỗi quốc gia phía Bắc này đều cần quan tâm tới việc đảm bảo an ninh của mình."
Sự chuẩn bị của Moscow
Ngay sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Moscow đã xác nhận kế hoạch đầu tư khoảng 20 ty euro vào dự án phát triển Tuyến đường biển phía Bắc cho đến năm 2035.
Các nhà chức trách cho biết số cảng mà Nga có thể ghé qua trên Tuyến đường biển phía Bắc gần đây đã là 11 cảng. Con đường được mở rộng đến thành phố viễn đông Vladivostok.
Tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga cho biết tuyến đường này đã cho phép Nga lưu thông 31,4 triệu tấn hàng hóa từ tháng 1 đến tháng 10/2023 - gấp 10 lần so với 1 thập kỷ trước.
Trong những năm gần đây, Nga cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Bắc Cực bằng cách mở lại và hiện đại hóa một số căn cứ và sân bay bị bỏ hoang kể từ cuối thời kỳ Liên Xô.
Malte Humpert, người sáng lập Viện nghiên cứu Bắc Cực của Mỹ cho biết: “Nga đã triển khai tên lửa S-300 và S-400, mở rộng đường băng để chứa các loại máy bay ném bom hạt nhân khác nhau. Nước này cũng đã thiết lập các hệ thống radar lớn”.
Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban quân sự NATO, phát biểu vào tháng 11: “Sự cạnh tranh và quân sự hóa ngày càng tăng ở khu vực Bắc Cực, đặc biệt là của Nga và Trung Quốc, là điều đáng lo ngại.”.
Ông cảnh báo: “Chúng ta phải luôn cảnh giác và chuẩn bị cho những điều bất ngờ.”.