Theo truyền thuyết và kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị bồ tát sẽ xuất hiện trên Trái đất, đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, chứng ngộ thành Phật, giáo hóa chúng sinh.
Phật Di Lặc là ai?
Sự tích về Phật Di Lặc được tìm thấy trong tài liệu, kinh điển của hầu hết các tông phái Phật giáo (Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim Cương thừa) và được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra khi Phật pháp bị lãng quên trên Trái đất. Lúc đó, Đức Di Lặc sẽ xuất hiện, giác ngộ đạo pháp và giảng lại cho chúng sinh, điều mà Đức Thích Ca Mâu Ni và nhiều vị Phật khác đã làm trong quá khứ.
Đức Di Lặc được coi là vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên Trái đất sau khoảng 30.000 năm nữa theo lịch của cõi trời Đâu Suất, tức khoảng 5 tỷ 760 triệu năm nữa theo năm Trái đất, khi Phật pháp đã hoàn toàn bị lãng quên trên địa cầu. Ngài là vị Phật của tương lai.
Trong Phật giáo Tây Tạng, Đức Di Lặc được thờ cúng rộng rãi. Ở thế giới hiện đại, hình ảnh Phật Di Lặc hiện hữu khắp mọi nơi, không chỉ chùa chiền mà còn ở cửa hàng, khách sạn, nhà riêng... Trong tranh tượng, Phật Di Lặc thường ngồi trên ngai, chân bắt chéo hoặc đặt dưới sàn, với hàm ý sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh.
Tại Trung Quốc, Phật Di Lặc thường được vẽ, tạc với dáng vẻ mập mạp, hiền hòa, tự tại, miệng tươi cười, bụng phơi ra, trẻ con đeo xung quanh. Người ta tin rằng, đó là hình ảnh của hòa thượng Bố Đại (tức là hòa thượng túi vải), một thiền sư sống ở thế kỷ thứ 10.
Tương truyền, nhà sư này có tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ nghỉ tùy chỗ, thường dùng một cây gậy quẩy một túi vải để đựng những vật người dân cúng dường. Ông có tài tiên tri thời tiết nắng mưa.
Phật Di Lặc xuất hiện khi nào?
Theo ghi chép của kinh Phật, khi cuộc sống của chúng sinh trên thế giới sa sút vì suy đồi đạo đức, chỉ làm việc gây nghiệp dữ, không làm việc thiện, tuổi thọ sẽ giảm dần, đời sống tràn đầy đau khổ, dịch bệnh tràn lan. Lúc đó Phật Di Lặc sẽ xuất hiện như một vị đạo sư, tương tự Phật Thích Ca Mâu Ni của mấy nghìn năm trước.
Ngài sẽ truyền bá rộng rãi về lòng nhân từ, sự tử tế, yêu thương và bài học về nhân quả. Điều này giúp cho sự thịnh vượng của thế giới được cải thiện và chúng sinh từ bỏ con đường tạo nghiệp do sân si, tham lam cũng như sự suy đồi đạo đức. Khi cải thiện được những điều trên, tuổi thọ của con người sẽ bắt đầu tăng lên.
Theo các kinh sách, cha của Phật Di Lặc là một vị vua. Đức Di Lặc sẽ giáng sinh vào hoàng hậu khi bà đang đứng trong khu vườn. Tiểu nhi Di Lặc sẽ bước ra với 7 bước theo bốn hướng, theo dấu chân ngài mà những cánh sen nở rộ. Khi đó ngài tuyên bố: "Ta là đấng cứu thế tối thượng, cứu chúng sinh thoát khỏi đau khổ, đây là lần chuyển sinh cuối cùng của ta".
Nghe thấy điều này, mọi chúng sinh đều hoan hỉ và thể hiện hành động dâng hiến, cúng dường cho ngài. Vua cha cũng cảm thấy tự hào và đưa ngài đi quanh thành phố để cho dân chúng vui mừng. Những thiên nữ xinh đẹp sẽ dâng hoa cúng dường ngài. Các hiền nhân tiên đoán chính trong đời sống này, ngài sẽ trở thành vị Phật toàn giác.
Ý nghĩa hình tượng Phật Di Lặc
Trong Phật giáo, nụ cười của Đức Thích Ca Mâu Ni được gọi là nụ cười an lạc, còn nụ cười của Đức Phật Di Lặc là nụ cười hoan hỉ. Hình tượng Phật Di Lặc ngày nay được miêu tả với vóc dáng mập mạp, áo mặc hở bụng căng tròn phô cả rốn, chân đất, gương mặt cởi mở, phúc hậu, cười rất tươi.
Tính tình Phật Di Lặc cũng được miêu tả kỳ lạ không kém thân hình, nói năng vô định, thích ngủ ở đâu thì ngủ.
Điểm đặc biệt nhất khi nhìn tượng Phật Di Lặc là nụ cười hoan hỉ bất diệt, là tấm lòng bao dung độ lượng không bờ bến. Nụ cười của Phật cho người nhìn cảm giác vô lượng từ tâm, thanh thản nhẹ nhàng.
Đôi tai dài của ngài biểu thị sự từ ái, biết lắng nghe lời khen chê chế nhạo, ai chế cũng cười chẳng phật lòng. Tướng bụng tròn thể hiện tấm lòng từ bi rộng lớn sẽ chứa hết mọi chuyện vui buồn thế gian.