Phạt đến 75 triệu đồng vi phạm về phòng không nhân dân

Chinhphu.vn |

Bộ Quốc phòng đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Trong đó, Bộ đề xuất quy định xử phạt vi phạm về phòng không nhân dân.

Bộ Quốc phòng đề xuất xử phạt vi phạm phòng không nhân dân lên đến 75 triệu đồng - Ảnh 1.

Bộ Quốc phòng cho biết, so với Nghị định số 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, tại dự thảo, Bộ đề xuất bổ sung 5 điều mới quy định xử phạt vi phạm về phòng không nhân dân (mục 5, chương 2 của dự thảo).

Theo đó, Bộ Quốc phòng đề xuất phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi trốn tránh, không chấp hành quyết định huy động, điều động tham gia lực lượng phòng không nhân dân của cấp có thẩm quyền.

Dự thảo nêu rõ, sẽ phạt tiền từ 5 – 8 triệu đồng đối với hành vi cản trở thực hiện quyết định huy động, điều động tham gia lực lượng phòng không nhân dân của cấp có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi chống đối thực hiện quyết định huy động, điều động tham gia lực lượng phòng không nhân dân của cấp có thẩm quyền.

Phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân mà nòng cốt là bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa và thực hành đánh địch đột nhập, tiến công đường không.

Vi phạm quy định về tập trung huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân phạt đến 15 triệu đồng

Theo dự thảo, hành vi không chấp hành quyết định huy động tham gia huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân của cấp có thẩm quyền mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi không bố trí thời gian cho người được huy động tham gia huấn luyện, diễn tập phòng không nhân dân.

Huy động, điều động lực lượng phòng không nhân dân sai mục đích bị phạt đến 30 triệu đồng

Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi huy động, điều động lực lượng phòng không nhân dân không có trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hành vi huy động, điều động lực lượng phòng không nhân dân sai mục đích sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi cản trở hoạt động của lực lượng quản lý, bảo vệ hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ công trình phòng không nhân dân.

Phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng đối với hành chống lại hoạt động của lực lượng quản lý, bảo vệ hoặc cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ công trình phòng không nhân dân.

Phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng không nhân dân bị phạt đến 75 triệu đồng

Theo dự thảo, sẽ phạt tiền từ 5 – 8 triệu đồng đối với hành vi thu thập thông tin về vị trí, tác dụng, kết cấu, ghi chép các số liệu có liên quan đến công trình phòng không nhân dân không đúng chức trách, nhiệm vụ hoặc không được phép của cấp có thẩm quyền.

Phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng đối với hành vi làm hư hỏng trang thiết bị, công trình phòng không nhân dân.

Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi chiếm đoạt, hủy hoại hồ sơ, tài liệu, thông tin công trình phòng không nhân dân.

Hành vi phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng không nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 50 – 75 triệu đồng.

Vi phạm quy định về sử dụng trang thiết bị, công trình phòng không nhân dân bị phạt đến 10 triệu đồng

Theo dự thảo, sẽ phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trang thiết bị phòng không nhân dân không đúng mục đích, không đúng công năng của công trình phòng không nhân dân.

Phạt tiền từ 8 – 10 triệu đồng đối với hành vi cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng không nhân dân.

Chiều 30/10/2024, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.

Dự thảo Luật Phòng không nhân dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều, đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ Quốc phòng cho biết, theo chương trình xây dựng pháp luật, Luật Phòng không nhân dân sẽ được thông qua trong năm 2024. Vì vậy, để bảo bảm cho chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này được thi hành ngay sau khi Luật trên có hiệu lực, cần phải quy định trong dự thảo Nghị định. Quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Quốc phòng sẽ thường xuyên cập nhật nội dung mới của Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại