Karttikeya Mangalam, một sinh viên 21 tuổi theo học chuyên ngành Kỹ thuật điện được trường Học viện Bách Khoa Kanpur Ấn Độ được cử sang Khoa Tin học thuộc trường Học viện Kỹ thuật Quốc gia Lausanne, thành phố Lausanne, Thụy Sĩ theo diện trao đổi sinh viên.
Kết thúc khóa đào tạo, anh này đã đặt vé máy bay từ thành phố Geneva, Thụy Sĩ để trở về thành phố New Delhi, Ấn Độ với trạm trung chuyển là thủ đô Moscow, Nga.
Nhưng khoảng ba tiếng sau khi máy bay cất cánh, đội tiếp viên hàng không bỗng phát thông báo trên hệ thống loa của phi cơ: "Có ai là bác sĩ đang trên chuyến bay không? Chúng tôi cần quý vị giúp đỡ".
Karttikeya Mangalam, 21 tuổi đã cứu sống một bệnh nhân trên chuyến bay bằng sự nhanh trí của mình.
Do ngồi ngay gần nơi xảy ra sự cố nên Karttikeya đã lên tiếng hỏi thăm tình hình, đồng thời xem đội ngũ tiếp viên trên máy bay cần giúp đỡ gì thêm hay không.
Anh chia sẻ: "Tôi được biết, đó là một người đàn ông 30 tuổi người Hà Lan tên Thomas bị mắc bệnh tiểu đường Type-1 từ năm 11 tuổi và đang trong tình trạng tăng glucoza huyết với những triệu chứng như vã mồ hôi, buồn nôn, choáng váng.
Dù luôn mang thiết bị tiêm insulin bên cạnh nhằm điều chỉnh mức độ đường huyết - đặc biệt là sau khi dùng bữa. Tuy nhiên, tại khu vực kiểm tra an ninh của Sân bay quốc tế Sheremetyevo, người đàn ông này đã bỏ món đồ quan trọng đó ra ngoài rồi quên thu hồi lại".
Do ngồi ngay gần nơi xảy ra sự cố nên Karttikeya đã lên tiếng hỏi thăm tình hình.
Một vị bác sĩ người Nga trên chuyến bay đã kiểm tra nhanh cho Thomas và kết luận anh này cần phải được tiêm insulin ngay lập tức - nếu không sẽ xảy ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng, bao gồm cả hôn mê và suy đa tạng, hoặc tồi tệ hơn nữa.
Được biết, trước đó ông Thomas có mang theo vài liều insulin tác dụng nhanh, phù hợp với tình trạng bệnh tật của bản thân. Song do bị mất dụng cụ tiêm nên không thể nào đưa thứ thuốc ấy vào bên trong cơ thể.
Chàng sinh viên 21 tuổi kể lại: "Do vị bác sĩ người Nga cũng mắc bệnh tiểu đường và mang theo trên người dụng cụ tiêm insulin cá nhân dạng bút, kèm vài cây kim tiêm thừa nên Thomas có thể sử dụng tạm.
Tuy nhiên, liều insulin mà Thomas mang theo lại không thể lắp vừa hoàn toàn vào dụng cụ tiêm dạng bút của vị bác sĩ người Nga. Cuối cùng, dù loại insulin mà vị bác sĩ đem theo mang tác dụng chậm, khác hẳn so với nhu cầu của bệnh nhân song nó vẫn được đưa vào cơ thể của bệnh nhân nhằm duy trì sự sống ông ta".
Cứu sống bệnh nhân bằng lò xo bút bi
Cứ tưởng mọi việc dần ổn thỏa. Nhưng khoảng một tiếng sau thì đội ngũ tiếp viên buộc phải thông báo rằng, máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay tại khu vực Afghanistan-Kazakhstan do gặp sự cố y tế khẩn cấp.
Khi anh Karttikeya tiến lại hỏi thăm, người đàn ông tên Thomas đã rơi vào trạng thái bất tỉnh, miệng bắt đầu sùi bọt mép trắng.
Lúc này, vị bác sĩ người Nga mới vừa tháo dụng cụ tiêm insulin dạng bút của mình ra nghiên cứu, vừa giải thích loại insulin mà ông tiêm cho Thomas cách đó một tiếng không phát huy được tác dụng. Nếu không điều trị kịp thời, chắc chắn bệnh nhân sẽ gặp nhiều tổn hại nghiêm trọng về mặt sức khỏe.
Ông cũng cho biết thêm: "Tôi tìm đủ mọi cách để nhét liều insulin của Thomas vào bên trong dụng cụ tiêm dạng bút của mình. Song lúc bấm nút tiêm, đầu kim lại chẳng hề bật ra như mong muốn.
Thời điểm ấy, tôi rất sợ bệnh nhân khó lòng qua khỏi vì máy bay cần hơn một tiếng nữa để hạ cánh".
Đội ngũ tiếp viên hàng không đã thông báo hạ cánh khẩn cấp để giúp đỡ hành khách gặp nạn.
Trước tình huống nan giải, chàng sinh viên Karttikeya đã xin mật khẩu Wi-Fi trên máy bay (vốn chỉ dành cho hành khách hạng thương gia) từ tiếp viên hàng không, rồi tìm kiếm bản vẽ kỹ thuật của loại dụng cụ tiêm insulin dạng bút trên mạng.
Sau khi tiến hành đối chiếu, anh nhận thấy dụng cụ này bị thiếu mất một bộ phận vô cùng quan trọng – đó là một chiếc lò xo nhỏ bên trong.
Karttikeya cho biết: "Tôi yêu cầu tiếp viên hỏi xem có hành khách nào mang theo bút bi hay không. Và thật may mắn khi phần lò xo của một chiếc bút bi đã hoàn toàn ăn khớp với những bộ phận còn lại của dụng cụ tiêm insulin dạng bút.
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh để lắp lại mọi thứ rồi đưa nó cho vị bác sĩ người Nga. Tiếp đó, ông ấy lập tức tiêm insulin cho Thomas nên mức đường huyết của bệnh nhân mới có thể ổn định lại sau 15 phút".
Karttikeya đã chế tạo thiết bị tiêm insulin mới bằng lò xo bút bi.
Vì mọi chuyện đã bình thường trở lại nên chuyến bay không cần hạ cánh khẩn cấp nữa. Ngoài ra, người đàn ông tên Thomas cũng được chuyển lên khu vực hạng thương gia để nhận sự chăm sóc tốt hơn.
Khi hạ cánh xuống Ấn Độ, chàng sinh viên 21 tuổi vẫn giúp đỡ nhân viên hàng không đưa Thomas tới Bệnh viện Medanta nhằm kiểm tra sức khỏe và kiếm thêm một thiết bị tiêm insulin mới.
"Gần cuối chuyến bay thì Thomas tỉnh lại và được nghe toàn bộ câu chuyện. Thomas đã cảm ơn tôi rất nhiều, thậm chí mời tôi tới thành phố Amsterdam du lịch - nơi ông ấy sở hữu một nhà hàng cùng một quán bia.
Tôi cảm thấy rất may mắn vì có thể vận dụng những gì đã học tại trường vào một tình huống nguy hiểm như vậy", anh Karttikeya vui vẻ nói.