Bé Đặng Thùy Dung (5 tháng tuổi - quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nằm điều trị tại BV Nhi TW 1 tháng do biến chứng viêm phổi khi mắc sởi.
Theo lịch tiêm phòng, mũi sởi đầu tiên sẽ được tiêm khi bé 9 tháng tuổi nhưng bé Thùy Dung mới 5 tháng tuổi, tức là chưa đến độ tuổi tiêm phòng đã mắc sởi.
Chị Nguyễn Thùy Dương (Mẹ của bé Dung) cho biết: "Biểu hiện lúc đầu của bé là ho và hơi sốt khoảng 37,5 độ. Gia đình cứ nghĩ là cháu bị cúm bình thường nên mãi mới cho cháu đi khám chứ, chúng tôi cũng không biết là cháu mắc sởi".
Được biết, sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Chính vì vậy bệnh dễ mắc thành dịch.
Đối tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy…, thậm chí có thể gây tử vong.
Hiện nay bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu ở trẻ em. Cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ dinh dưỡng.
Nguyên nhân khiến trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng bị mắc sởi
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm – BV Nhi TW chia sẻ: "Thông thường, tiêm chủng sởi dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tuy nhiên gần đây, các ca mắc sởi nhập viện thường chưa được tiêm chủng hoặc là chưa đến tuổi tiêm sởi"
Trước lứa tuổi tiêm chủng, trẻ có kháng thể từ mẹ chuyển sang con. Nhưng với những trẻ không có kháng thể, trẻ sẽ bị sởi do một số lý do, trong đó có nguyên nhân do mẹ không được tiêm chủng hoặc bản thân trẻ có những bệnh mãn tính suy giảm miễn dịch".
TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm – BV Nhi TW
Theo BV Nhi TW, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân mắc sởi, chủ yếu là trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Bệnh có diễn biến lành tính nhưng cũng có thể có những biến chứng nguy hiểm.
"Biến chứng hay gặp nhất khi mắc sởi đó là viêm phổi. Ngoài ra, trẻ có thể các nhiễm trùng khác như nhiễm trùng huyết, tổn thương về hệ thần kinh như viêm não sau sởi. Có thể thấy, đây đều là các biến chứng nặng", BS Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh.
Thống kê nhanh của Bộ y tế cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 90 trường hợp mắc sởi, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017, đáng chú ý là có nhiều trường hợp dưới 9 tháng tuổi.
Do đó, Bộ y tế cũng khuyến cáo, mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm phòng vắc xin sởi trước khi mang thai, để tạo miễn dịch chủ động.
Bên cạnh việc tiêm phòng, các bậc phụ huynh cũng cần tạo không gian ở sạch sẽ thoáng mát cho trẻ. Nếu có trẻ mắc sởi, cần cách ly ngay với các bé khác để tránh lây chéo.
Theo lịch tiêm phòng, mũi sở đầu tiên sẽ được tiêm khi bé 9 tháng tuổi nhưng nhiều bé mới 5 tháng tuổi, tức là chưa đến độ tuổi tiêm phòng đã mắc sởi.
Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ bị bệnh tại nhà
Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu – Khoa Truyền nhiễm – BV Nhi TW cho hay: Về cơ bản. sởi là bệnh lây truyền lành tính. Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, phụ huynh có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ bằng cách:
- Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt ≥ 38.5°C theo chỉ định của bác sĩ.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
- Vệ sinh thân thể như tắm hàng ngày, tránh để lạnh. Thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
- Cắt móng tay để tránh gãi làm xước da.
- Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% 3 lần/ngày.
- Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
- Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)
- Cách chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biên theo khẩu vị người bệnh.
Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy Hậu cũng lưu ý: "Với trẻ mắc sởi, không kiêng khem trong chế độ ăn, để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu.
Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều Vitamin A".
BV Nhi TW đã tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân mắc sởi chủ yếu là trẻ chưa được tiêm phòng trong những tháng đầu của năm 2018.
Các dấu hiệu mắc sởi cần đưa trẻ đến cơ sở y tế
Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau:
- Sốt cao > 39°C.
- Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng
- Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt.
- Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.
Xem thêm:
Sẽ tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ từ 6 tháng thay vì 9 tháng.