LTS: Trong trong cuộc chiến tranh chống phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc, Bộ đội tên lửa Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc và có những trận đánh hết sức đặc biệt.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc các bài viết của Đại tá Nguyễn Thụy Anh về một số trận đánh độc đáo mà với những "phát bắn thần kỳ", Bộ đội tên lửa Việt Nam đã hạ gục uy danh của Không quân Mỹ.
-----------
Kỳ 1: Phát bắn thần kỳ của tên lửa Việt Nam - Hạ mục tiêu bay cao nhất trên tầng bình lưu
Kỳ 2: Phát bắn thần kỳ của tên lửa Việt Nam: Phục kích diệt "Trung tâm điện tử di động" EB-66
-----------
Kỳ 3: Phát bắn thần kỳ của tên lửa VN: Trừng trị "sát thủ" AC-130, KQ Mỹ hốt hoảng tháo chạy
Khốc liệt trên tuyến đường Trường Sơn
Cuộc chiến đấu giữa bộ đội ta và KQ Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm KCCM diễn ra vô cùng khốc liệt. Hoạt động của Mỹ ở đây mang tính chất tổng hợp nhiều loại hình chiến tranh: chiến tranh không quân, chiến tranh điện tử và tự động hóa, chiến tranh khí tượng, chiến tranh hóa học hủy diệt môi trường…với quy mô ngày càng lớn và cực kỳ tàn bạo.
Ban ngày, do Mỹ có ưu thế tuyệt đối trên không nên các đoàn xe vận tải chở vũ khí, đạn dược và lương thực của ta đều phải chạy vào ban đêm.
Để ngăn chặn sự vận chuyển của ta, địch đã tập trung 60-80% tổng số phi vụ trên toàn tuyến hòng bịt chặt các cửa khẩu và dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt cùng những vũ khí mạnh nhất, trong đó phải kể đến các loại máy bay cường kích AC-47, AC-119 và AC-130 với nhiều thiết bị tối tân chuyên dùng đánh đêm để diệt các xe vận tải.
Cả 3 loại máy bay này đều có khả năng bay lâu trên 1 khu vực, xăm soi tìm đánh liên tục đối với các đoàn giao thông và đã phá hỏng hàng ngàn xe của ta trong các mùa khô 1968-1972.
Chúng được mệnh danh là các "sát thủ xe vận tải" cực kỳ nguy hiểm và rất khó đối phó trên tuyến đường 559 do ta không có đủ vũ khí, khí tài phòng không hiện đại có thể diệt được các mục tiêu này trong đêm tối và ở độ cao chúng thường bay.
AC-47 và AC-119 là 2 loại máy bay cũ và tính năng kém hơn (tốc độ chậm hơn, bay thấp hơn, vũ khí ít và yếu hơn…) nên hiệu quả đánh phá thấp và đã bị lực lượng phòng không ta gây thiệt hại nặng.
Sau đó KQ Mỹ sử dụng nhiều nhất là loại AC-130 và không ngừng cải tiến vũ khí, trang bị mạnh hơn làm nó trở thành con át chủ bài trong việc đánh phá đường mòn HCM. Vì vậy AC-130 thường được nhắc tới hơn cả cũng như trở thành mục tiêu chính của bộ đội phòng không nói chung và bộ đội tên lửa VN nói riêng.
Đường mòn Trường Sơn, một kỳ tích của dân tộc Việt Nam.
Thời kỳ đầu (từ cuối 1964-1966), KQ địch dùng loại AC-47 (cải biên từ máy bay vận tải C-47) bay thấp để đánh phá ngăn chặn giao thông và kho tàng, trận địa của ta.
Tuy vậy, hỏa lực 3 khẩu súng máy 6 nòng cỡ 7,62 mm của AC-47 tỏ ra chưa đủ sức mạnh ngăn chặn đối phương và thân vỏ mỏng của nó cũng khó trụ được khi bị ta dùng vũ khí PK hạng nhẹ như súng máy 12,7 mm hoặc pháo cao xạ (PCX) 37 mm đánh trả, bắn rơi và bắn hỏng nhiều chiếc loại này…
Từ năm 1967 Mỹ đưa thêm loại AC-119 (cũng cải biên từ vận tải cơ C-119) với phi hành đoàn 6-8 người và có hỏa lực mạnh hơn AC-47, bao gồm 2 khẩu pháo 20mm 6 nòng cùng 4 súng máy 6 nòng 7,62mm. Số máy bay AC-119 tham chiến cũng rất lớn: 52 chiếc.
Thế nhưng theo số liệu Mỹ, chỉ trong thời gian hoạt động ngắn "đã có 5 chiếc AC-119 bị rơi" nên họ vẫn chưa hài lòng (Xin lưu ý cách tính của Mỹ là nếu máy bay về được căn cứ, dù bị bắn hỏng rồi sau đó phải bỏ thì cũng không tính là "bị bắn rơi"!…). Do đó từ 2/1969 Mỹ đã chuyển giao loại máy bay này cho KQ VNCH tiếp tục sử dụng đến tháng 4/1975.
"Sát thủ xe vận tải" AC-130
Cuối năm 1967, Lầu Năm Góc bắt đầu cải biên vận tải cơ C-130 vốn mới hơn và có tải trọng lớn hơn cả 2 loại trên thành AC-130 để làm nhiệm vụ đánh đêm với nhiều khí tài điện tử hiện đại nhất lúc đó (như các thiết bị nhìn đêm hồng ngoại, khuếch đại ánh sáng mờ và tạo ảnh nhiệt, thiết bị phát hiện tia lửa điện ô tô, chế áp vô tuyến, radar trinh sát và điều khiển hỏa lực…).
Nó có thể bay lâu hơn (từ 2-4 h trên không), mang nhiều vũ khí mạnh hơn như pháo 40 mm và cả pháo 105 mm (từ đầu năm 1972) nên đã tỏ ra có hiệu quả hơn trong việc đánh phá.
Nhưng do kích thước lớn, tốc độ thực tế vẫn chậm (chỉ khoảng 320-360 km/h), khả năng cơ động kém, hoạt động thường theo quy luật cả về đường bay, thời gian và khu vực đánh phá nên ta vẫn có thể chủ động đề phòng cũng như tìm cách đối phó.
Trong thời kỳ 1968-1969 hỏa lực PK của ta còn ít nên chúng chủ quan bay ở độ cao khoảng 1.500m và đã có 2 chiếc AC-130 bị PCX bắn rơi.
Để phòng tránh, bộ đội ta đã xây dựng nhiều tuyến đường kín cho xe chạy ban ngày tránh AC-130 mà các loại máy bay khác cũng khó phát hiện được xe ta dưới các tán cây rậm rạp.
Ban đêm, ta vẫn hoạt động nghi binh và tăng cường lực lượng phục kích, sử dụng PCX 37 mm và 57 mm bắn cháy cả AC-130 lẫn AC-119. Tuy vậy đây là các loại máy bay lớn (AC-119 nặng 28 tấn, còn AC-130 nặng gần 80 tấn) nên khi bị trúng đạn pháo nhỏ thường không rơi tại chỗ hoặc chỉ bị hư hỏng.
Từ năm 1970, địch lại luôn bay cao hơn 3.000 m nên các loại vũ khí PK cỡ nhỏ ta thường dùng và không có khí tài nhìn đêm cũng khó tiêu diệt được chúng như trước mà chủ yếu là cản phá không cho địch ngắm bắn chính xác vào các đoàn xe của ta.
"Sát thủ xe vận tải" AC-130.
Tên lửa VN trừng trị "sát thủ xe vận tải" AC-130
Nhiệm vụ tiêu diệt AC-130 và B-52 để bảo vệ giao thông được giao cho bộ đội tên lửa, đặc biệt là AC-130 vì loại này thường xuyên gây khó khăn và nhiều thiệt hại cho hệ thống vận chuyển của ta. Thế là cuộc săn tìm "sát thủ xe vận tải" AC-130 trong đêm tối và rừng rậm Trường Sơn của tên lửa VN bắt đầu diễn ra ngày càng ác liệt…
Do đặc điểm chiến trường rừng núi trùng điệp, đèo dốc hiểm trở, đường xá nhỏ hẹp lại bị bom đạn Mỹ cày phá liên tục nên rất khó triển khai các loại vũ khí phòng không cỡ trung trở lên, với tên lửa SAM-2 nặng nề lại càng phức tạp hơn.
Đi kèm AC-130 luôn có các loại máy bay khác mang tên lửa Sơrai chống radar, bom laser, rocket…, sẵn sàng đánh trả lực lượng phòng không của ta muốn bắn hạ AC-130. Ngoài ra, còn có các máy bay trinh sát vũ trang O-2, OV-10 quần thảo suốt ngày đêm cùng biệt kích, thám báo lùng sục khắp nơi hòng phát hiện tên lửa ta.
Tại khu vực tác chiến, do núi non rừng rậm, mặt bằng hạn chế và góc che khuất lớn nên trận địa thường chỉ triển khai được 2-3 bệ phóng với góc bắn hẹp chỉ khoảng 50 độ (theo quy tắc bắn phải đủ 6 bệ, 6 đạn với góc bắn 360 độ)…
Đầu năm 1972 số lượng máy bay AC-130 tăng nhanh và chúng hoạt động rất mạnh ở khu vực đường 9 cũng như các cửa khẩu của ta nên tiểu đoàn tên lửa 69 được lệnh cơ động gấp xuống bản Đông đón đánh.
Đêm 4/2, đội hình hành quân của ta bị AC-130 đánh trúng, làm hỏng 2 xe khí tài và đải radar trinh sát P-12, tiểu đoàn phải lùi về phía sau củng cố.
Lực lượng PCX tại đây từ 2-7/2/1972 đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 5 máy bay địch các loại, trong đó Trung đoàn cao xạ 243 đã mưu trí bắn rơi 1 chiếc AC-130, tạo điều kiện cho xe ta chạy an toàn trong những ngày đó.
Từ 8/2/1972, 2 tiểu đoàn tên lửa 67 và 68 được lệnh vượt sang tây Trường Sơn thọc xuống đường 9 cùng với 4 tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp 37 mm và 14,5 mm đi bảo vệ, mở thông tuyến hành lang cửa khẩu.
Dọc đường đến trận địa, khí tài của tiểu đoàn 67 bị địch đánh hỏng nhưng các chiến sĩ ta đã nỗ lực sửa chữa và dồn ghép 1 số bộ phận từ tiểu đoàn 68 sang để bảo đảm chiến đấu.
Riêng ống dẫn sóng xe thu phát bị bẹp méo, nếu chờ thay mới hoặc mang ra bắc sửa chữa thì phải mất hàng tháng và bỏ lỡ thời cơ diệt địch nên các cán bộ kỹ thuật VN đã chủ động, sáng tạo khắc phục ngay tại chiến trường để khí tài vẫn có thể đánh được ở cự ly gần…
Dù có lực lượng và trang bị mạnh hơn để đánh phá các đoàn xe của ta nhưng các "sát thủ AC-130" cũng bị bộ đội tên lửa VN liên tục săn tìm, không để chúng tự do hoành hành trong đêm tối như trước.
"Sát thủ xe vận tải" AC-130.
Ngày 4/3/1971, tiểu đoàn tên lửa 83 đã xuất sắc bắn rơi 1 chiếc AC-130 gần trận địa Côn Cùng, sát biên giới Việt-Lào. Ngày 18/3/1971, từ trận địa S2 trên đỉnh Ta Păng, tiểu đoàn tên lửa 69 bất ngờ phóng 2 đạn bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên của chiến dịch…
Đến ngày 27/2/1972 từ trận địa Máy Húc, tiểu đoàn tên lửa 67 bắn trúng 1 AC-130 nhưng máy bay không rơi tại chỗ nên địch tạm ngừng rồi chuyển sang tiếp tục hoạt động ở khu vực khác.
Đặc biệt vào đêm 29/3/1972, trong khi các loại máy bay Mỹ đang lồng lộn bắn phá ngăn chặn giao thông của ta thì vào lúc 3h sáng tiểu đoàn tên lửa 67 đã đánh 1 trận xuất sắc, bắn rơi tại chỗ chiếc AC-130 ở khu vực Lùm Bùm-Huổi Chang, gần ngã ba Đường 9.
Trong tình huống chiến đấu vô cùng căng thẳng và ác liệt, địch vừa gây nhiễu vừa đánh vào trận địa nhưng các chiến sĩ VN vẫn dũng cảm điều khiển chính xác 2 quả tên lửa vào đúng mục tiêu ở độ cao hơn 3.000 m.
"Sát thủ AC-130" bốc cháy rừng rực giữa trời đêm Trường Sơn, rồi cùng toàn bộ kíp bay 13 người đâm đầu xuống rừng rậm bản Nabo, cách trận địa ta chỉ 6 km. Chứng kiến cảnh tượng đó, các loại máy bay khác của KQ Mỹ đang hoạt động quanh đấy đều hốt hoảng tháo chạy khỏi vùng hỏa lực tên lửa và phải ngừng đánh phá khu vực này.
Các đoàn xe vận tải của ta kịp thời vượt cửa khẩu, nhanh chóng chuyển vũ khí, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Chỉ 2 ngày sau lại thêm 1 chiếc AC-130 nữa bị tên lửa VN bắn hạ cùng toàn bộ kíp bay…
Tổn thất lớn về loại máy bay này và nhất là với các kíp bay đông người nhất (loại B-52 chỉ có 6 người) đã buộc Lầu Năm Góc phải giảm hẳn việc sử dụng AC-130 rồi tháng 4/1972 phải rút lực lượng này về tuyến sau vì không thể tiếp tục đối đầu được với tên lửa VN. Loại AC-119 cũng tiếp tục bị trừng trị cho đến sát ngày kết thúc chiến tranh…
Trong 5 năm liên tục từ 1968 đến 1972 trên các cửa khẩu đường số 12,16,18,20 có hàng ngàn chiến sĩ tên lửa và cao xạ đã bám trụ kiên cường, hiệp đồng chặt chẽ với các chiến sĩ Trường Sơn quyết tâm bảo vệ tuyến đường giao thông chiến lược.
Riêng các đơn vị tên lửa, cao xạ của quân chủng PKKQ đã lập chiến công bắn rơi 373 máy bay các loại, đặc biệt trong đó có hàng chục chiếc AC-130, AC-119 và cả B-52 cùng hàng trăm phi công Mỹ, đánh bại hoàn toàn âm mưu "chặt đứt đường mòn HCM" của KQ Hoa Kỳ.
Sau chiến tranh VN, AC-130 vẫn được KQ Mỹ sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới (như Grenada 1983, Panama 1989, Somalia 1992…), chiến tranh vùng Vịnh 1991 và gần đây ở cả Trung Đông tuy số lượng không nhiều như ở Việt Nam.
Khi gặp đối phương có lực lượng phòng không yếu và chưa có kinh nghiệm đối phó thì nó vẫn là loại vũ khí rất lợi hại, gây nhiều tổn thất cho địch thủ mà ít bị trả giá: thống kê cho tới nay chỉ có 1 chiếc AC-130 bị tên lửa PK Irac bắn rơi ngày 3/2/1991 mà thôi…
Như vậy là trong các loại vũ khí tối tân của Mỹ, "sát thủ AC-130" rất nguy hiểm nhưng rồi đã phải nếm đòn trừng trị đầu tiên và chịu thiệt hại nặng nề nhất trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, nơi mà dù đã dốc toàn lực họ vẫn không thể giành được chiến thắng trước sự kiên cường của các chiến sĩ VN.
Vượt qua mọi hy sinh gian khổ và muôn trùng khó khăn, bộ đội tên lửa VN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt và quét đuổi "sát thủ AC-130" ra khỏi dãy Trường Sơn.
Cùng với chiến công lẫy lừng thế giới hạ gục siêu pháo đài bay B-52 ngay trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972, lực lượng Tên lửa phòng không VN mãi mãi xứng danh là Binh chủng anh hùng đầu tiên của QĐNDVN anh hùng!