Thủy tinh Libya từng xuất hiện trong một số cổ vật thuộc hàng quý giá nhất thế giới, bao gồm một mặt dây chuyền từ mộ phần Pharaoh Tutankhamun, nhà cai trị lừng danh những năm 1332-1323 trước Công nguyên của Vương triều thứ 18 thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập.
Đó là một loại thủy tinh có màu vàng nhạt tự nhiên đẹp mắt, trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận trong gần một thế kỷ.
Ảnh mô phỏng một vụ va chạm thiên thạch, mặt dây chuyền của Pharaoh Tutankhamun với con bọ hung làm bằng thủy tinh Libya và chân dung ông trên một chiếc mặt nạ - Ảnh: BỘ CỔ VẬT AI CẬP/NASA
Có giả thuyết cho rằng vật liệu huyền bí này đã được hình thành từ những vụ sét đánh khủng khiếp, cũng có giả thuyết nó là thủy tinh núi lửa từ Mặt Trăng du hành đến Trái Đất.
Cũng có giả thuyết cho rằng nó là kết quả của quá trình lắng đọng trầm tích hoặc hệ thống thủy nhiệt, hoặc một thiên thạch nào đó đã nổ trong không trung.
Viết trên The Conversation, TS Elizaveta Kovaleva từ Đại học Western Cape (Nam Phi) cho biết nhóm của ông - đến từ Nam Phi, Đức, Ai Cập và Morocco - đã nghiên cứu hai mảnh thủy tinh Libya bằng kỹ thuật kính hiển vi điện tử tiên tiến, cho phép quan sát các hạt vật liệu siêu nhỏ, đường kính chỉ bằng 1/20.000 độ dày một tờ giấy.
Họ đã xác định các khoáng chất then chốt bên trong vật liệu huyền bí này.: Các loại oxit zirconium (ZrO2) khác nhau. Các khoáng chất có thể có cùng thành phần hóa học nhưng có cấu trúc khác nhau, gọi là đa hình.
Trong đó, một dạng đa hình của ZrO2 gọi là zirconia khối đã được tìm thấy. Đó là thứ chỉ có thể hình thành dưới nhiệt độ cao từ 2.250 độ C đến 2.700 độ C. Ngoài ra, còn một dạng đa hình cực hiếm khác còn gọi là ortho-II hoặc OII, hình thành ở áp suất cực độ là 130.000 atm.
Điều kiện nhiệt độ và áp suất đó chỉ có thể được tạo thành từ hai thứ: Một vụ va chạm thiên thạch lớn, hoặc một quả bom nguyên tử.
Chắc chắn trong thời đại của Pharaoh Tutankhamun, nhân loại chưa sở hữu bom nguyên tử. Vậy đó chỉ có thể là sản phẩm tạo ra bởi một kẻ tấn công từ ngoài Trái Đất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra miệng hố mẹ - nơi đã khai sinh ra loại thủy tinh độc nhất vô nhị - phải nằm đâu đó trong khu vực sa mạc Biển Cát Lớn, trải rộng trên diện tích 72.000 km2 nối liền Ai Cập và Libya.
Hai miệng hố va chạm nổi tiếng quanh đó là GP và Oasis, đường kính lần lượt 2 km và 18 km, bị loại trừ vì quá xa và quá nhỏ so với tính chất của vật liệu và những nơi chủ yếu mà nó được tìm thấy.
Đó là công việc tiếp theo của cả nhóm: Truy tìm miệng hố mẹ. Nó phải rất khổng lồ với các thông số về tác động đó, cũng như cách mà nó đã tạo ra nguồn thủy tinh Libya cực kỳ nhiều, đôi khi vẫn còn tìm được ngày nay.
Tuy nhiên khả năng cao là miệng hố này bị xói mòn nặng, cộng với cát bao phủ. Các cuộc nghiên cứu tiếp theo sẽ đòi hỏi sự kết hợp các khảo sát viễn thám và địa vật lý.