Quân đội Pháp đã thử nghiệm năng lực tấn công hạt nhân trong một cuộc diễn tập kéo dài đến 11 giờ đồng hồ, sử dụng chiến đấu cơ Rafale và bắn tên lửa thật không mang theo đầu đạn hạt nhân.
Pháp dành khoảng 3,5 tỉ USD mỗi năm để duy trì lực lượng gồm 300 vũ khí hạt nhân có thể được phóng đi từ máy bay và tàu ngầm của nước này.
“Những cuộc tấn công thật sự như vừa được tiến hành đã được lên kế hoạch thực hiện trong vòng đời của vũ khí. Chúng được thực hiện trong những khoảng thời gian ngắt quãng tương đối đều nhưng vẫn là hiếm có bởi tên lửa thực sự, không mang theo đầu đạn, đã được phóng đi”, phát ngôn viên Lực lượng Không quân Pháp – Đại tá Cyrille Duvivier cho biết.
Paris không tiết lộ thời điểm cụ thể khi vụ tấn công diễn tập nói trên diễn ra và các quan chức Pháp cũng từ chối tiết lộ về mức độ thường xuyên diễn ra những cuộc tấn công giả định như vừa diễn ra.
Pháp đã ngừng thử vũ khí hạt nhân từ năm 1996 sau khi một vụ thử ở Nam Thái Bình Dương gây ra làn sóng phẫn nộ và kể từ đó Pháp đã ký Hiệp ước Cấm Thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện.
Giới chức Pháp có kế hoạch hiện đại hóa năng lực hạt nhân của nước này với chi phí 5 tỉ euro mỗi năm đến năm 2020.
Động thái tiến hành một cuộc tập dượt tấn công răn đe hạt nhân diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang khắp toàn cầu sau khi Washington bất ngờ xé bỏ Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) năm 1987 với Nga.
Động thái này mở đường cho cả Nga và Mỹ lao vào phát triển các tên lửa mới từng bị hiệp ước INF cấm và đây rõ ràng là mồi lửa châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang đáng sợ mà Châu Âu có thể là nạn nhân đầu tiên.
Pháp, cũng giống như các nước Châu Âu khác, đang đặc biệt quan ngại về tình hình an ninh khu vực khi mà căng thẳng giữa Washington và Moscow leo thang từng ngày.
Trở lại hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây rúng động thế giới khi bất ngờ tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi INF để trả đũa cho việc Nga không tuân thủ INF.
Các nước Châu Âu xem hiệp ước INF là vô cùng quan trọng đối với an ninh ở Châu Âu. Chính vì thế, họ cực kỳ quan ngại trước việc hiệp ước INF bị xé bỏ.
Mất INF, sẽ chỉ còn Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START mới) là bước cản trở cuối cùng đối với viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Hiệp ước này có thời hạn đến năm 2021 và Washington chưa quyết định có làm mới nó hay không.
Chính vì thế, hành động trên của Mỹ gây ra lo ngại không chỉ với Nga và Trung Quốc – hai nước trực tiếp bị Mỹ nhắm đến, mà còn với các nước Châu Âu đồng minh của Mỹ.
Các nước Châu Âu từng lên tiếng phản ứng mạnh mẽ ngay sau công bố của Tổng thống Trump hồi tháng 10/2018 bởi họ lo sợ hành động của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đẩy toàn cầu với mối đe dọa diệt chủng vì loại vũ khí có sức hủy diệt kinh người này.
INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây.
Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km).
Hiệp này là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.