Hợp đồng trị giá khoảng 9 triệu USD dự kiến được thực hiện đến cuối tháng 9-2020. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt thương vụ và ủy quyền cho General Atomics sản xuất, lắp đặt các gói vũ khí dành riêng cho đối tác Pháp tại nhà máy của hãng này ở thành phố Poway, bang California.
Mặc dù Lầu Năm góc không đưa ra chi tiết cụ thể, nhưng MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ đang được trang bị tên lửa diệt tăng AGM-114 Hellfire, tên lửa đối không AIM-92 Stinger, bom thông minh GBU-12 hoặc GBU-38.
Theo Tạp chí quốc phòng IHS Jane's của Anh, Paris nhiều khả năng sẽ chọn tên lửa Hellfire và một khí tài khác của châu Âu để vũ trang cho máy bay.
Pháp bắt đầu tính mua MQ-9 Reaper từ cuối năm 2012 khi Bộ Quốc phòng nước này nhận thấy dự án phát triển UAV Mantis hợp tác với Anh bị tạm hoãn nhiều lần và chưa hẳn đáp ứng được các yêu cầu của Pháp.
Tháng 8-2013, hợp đồng 16 máy bay MQ-9 Reaper cùng các trang thiết bị và khóa huấn luyện đi kèm trị giá 1,5 tỷ USD đã được 2 bên ký kết. Những máy bay này không trang bị vũ khí, chủ yếu được Không quân Pháp sử dụng cho mục đích tình báo, do thám và trinh sát (ISR).
Hiện Không quân Pháp đang khai thác 5 chiếc MQ-9 Reaper (một chiếc gặp nạn vào tháng 11-2018) và sẽ nhận thêm 6 máy bay nữa trong năm nay, nhằm thay thế cho máy bay không người lái Harfang do tập đoàn nội địa EADS chế tạo.
Ra đời từ năm 2001 và được sản xuất hàng loạt bắt đầu từ năm 2007, MQ-9 Reaper là chiếc máy bay không người lái trinh sát - tấn công hiện đại nhất thế giới tính đến thời điểm này. Máy bay thường biết tới với tên gọi Predator B bởi nó được phát triển dựa trên UACV MQ-1 Predator.
Với các cảm biến quang điện tử hiện đại, MQ-9 Reaper có thể tự động tìm kiếm, phát hiện, theo dõi và dẫn đường chính xác cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu.
Thiết bị bay không người lái này có thể đạt tốc độ bay tới 400km/h, tầm hoạt động đạt gần 6.000km, bay liên tục 14 tiếng, trang bị 7 giá treo để mang theo tên lửa hoặc bom thông minh, hay các thiết bị chuyên dụng để áp chế hệ thống điện tử đối phương... tùy vào nhiệm vụ.